Tiếp tục được cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với nội dung liên quan quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế đã có rất nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia. Không chỉ nóng tại nghị trường Quốc hội, câu chuyện quy định về nồng độ cồn với tài xế còn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân cả nước.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm. Ảnh: Kim Ly
Mức cồn có nên bằng 0?
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước khi trình Quốc hội thông qua, các đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về nội dung "nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe".
Ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn vì "tính mạng, sức khỏe con người là trên hết", đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết: "Ban đầu tôi cũng băn khoăn vì cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ dẫn tới các tác động nhất định, nhưng sau khi nghiên cứu số vụ tai nạn giao thông và kết quả mang lại từ việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, tôi quyết định chọn phương án cấm".
Chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng quy định này không mới mà chỉ kế thừa quy định đang có tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro khi điều khiển phương tiện mà đã uống rượu, bia gây ra.
Dù đồng tình với việc đã uống rượu bia thì không lái xe nhưng nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, cơ quan của ngành chuyên môn phải có đánh giá khoa học, khách quan nhất, thế nào là phù hợp, không nên quy định bằng 0.
“Trên thực tế, một số loại nước hoa quả dù không phải rượu bia nhưng vào cơ thể sẽ khiến nồng độ cồn không bằng 0 nữa, như vậy xử phạt thế nào? Bởi vậy không nên quy định bằng 0 để đảm bảo thực thi pháp luật tường minh…” - đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh.
Cấm tuyệt đối, đừng lăn tăn
Đó là quan điểm của đại bộ phận người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh khi trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề nên hay không cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
“Trên thực tế, dù Việt Nam đã cấm lái xe điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia nhưng không ít người vẫn sử dụng và gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, làm thiệt hại cho cộng đồng, xã hội. Do đó, việc quy định nồng độ cồn với tài xế bằng 0 là hoàn toàn phù hợp, không nên bàn luận nhiều. Việc quy định như vậy sẽ giúp điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội tốt hơn” - anh Nguyễn Văn Trung, lái xe taxi tại phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ.
Lấy dẫn chứng từ thống kê của Bộ Công an, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn với lái xe đang phát huy hiệu quả, thể hiện trong năm 2023 số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia giảm 25%, giảm 50% số người chết và giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ 2022.
Anh Nguyễn Duy Ngọc, lái xe chở công nhân tuyến Sông Lô - Vĩnh Yên chia sẻ: "Lái xe mà uống rượu bia thì trong một lúc thiếu tỉnh táo dễ làm gia đình tan nát, vợ mất chồng, cha mất con... Dù hình phạt có nghiêm khắc cũng không thể giảm nỗi đau của gia đình có người thân tử vong vì tai nạn giao thông do liên quan rượu bia. Đó là lý do tôi rất ủng hộ quy định nồng độ cồn bằng 0. Ủng hộ cấm tuyệt đối, có nồng độ cồn thì không được phép lái xe".
“Đề xuất nồng độ cồn bằng 0 không hề cấm người dân uống rượu, bia mà điều cần cấm ở đây chính là đã uống rượu, bia thì không lái xe. Người dân vẫn có thể đi taxi, đi xe ôm sau khi uống rượu bia. Uống rượu bia rồi không điều khiển phương tiện là tự bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho chính mình và cho cả những người xung quanh. Tôi nghĩ rằng mọi người cần ủng hộ đề xuất này” - anh Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Đồng tình ủng hộ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông, chị Nguyễn Thu Trang, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho rằng: Quy định nồng độ cồn bằng 0 sẽ hạn chế mức tiêu thụ rượu, bia, làm thay đổi thói quen nhậu nhẹt. Nhờ đó, người dân sẽ dành nhiều thời gian hơn để làm việc, học tập và chăm lo gia đình.
Dù còn nhiều ý kiến, nhưng một điều rõ ràng là người dân đều nhận ra tác hại của bia rượu và đồng lòng ủng hộ biện pháp hạn chế này để bảo đảm an toàn giao thông cho mọi nhà, mọi người.
Thiệu Vũ