Cuối Chạp, khi đất liền đang rộn ràng không khí chào đón năm mới cũng là lúc, những con tàu trên bến cảng lữ đoàn chuẩn bị chở Tết ra khơi. Một góc bến cảng rực sắc hoa đào, hoa mai, những chùm quất vàng sai trĩu quả; những thức quà đặc sản vùng miền đã được đóng gói… Màu Tết, vị Tết, không khí Tết đã hiện diện đủ đầy; được nâng niu, bọc gói cẩn thận, cố gắng đảm bảo vẹn nguyên khi lên với các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK1 và tàu trực tại vùng biển thềm lục địa phía Nam, nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Thắm màu hoa Tết trên nhà giàn DK1.
Đã một năm trôi qua nhưng chuyến hải trình đầu Xuân Quý Mão 2023 vẫn gợi nhắc trong mỗi thành viên đoàn ngày ấy những cảm xúc rưng rưng khó tả. Tiếng còi tàu rúc lên. 2 con tàu Trường Sa 10 và Trường Sa 21 chầm chậm rời cảng Lữ đoàn 171. Những cái vẫy tay của cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xa dần. Chỉ còn vọng lại bao âm thanh xôn xao từ phía cảng. Hành trình gần cả nghìn hải lý của đoàn chúng tôi bắt đầu từ đây.
Cuối năm, trên khu vực biển Đông thường có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi mạnh cấp 8, giật cấp 8 - 9; sóng biển cao từ 3 - 5m. Đã nhiều chuyến tàu chở Tết ra biển phải thay đổi lịch trình đột xuất khi thời tiết trên biển bất ngờ trở xấu. Có những chuyến tàu phải lựa sóng, vươn khơi. Con tàu Trường Sa 21 như lướt trên ngực sóng. Niềm hân hoan, mong đợi át đi nỗi lo lắng về chuyện sóng gió cuối mùa, át đi cơn say sóng đang ngày một rõ dần…
Gió biển lạnh và mặn. Nhưng có hề chi khi hơi ấm của đất liền đã được xếp chật trong khoang tàu. Nào là gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, kẹo lạc, kẹo dừa Bến Tre, bánh tráng Bình Định, tương bần Hưng Yên, bánh mứt kẹo Hải Hà, hạt giống rau, củ, quả… những thức quà quê ấm tình hậu phương từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về cho biển. Đàn gà, vịt, ngan, ngỗng, lợn con… cùng hàng chục cân lá dong, lá chuối, lạt, giang cũng đang cùng đoàn công tác vươn khơi.
Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 (người con của quê hương Yên Lạc - Vĩnh Phúc) cứ sốt ruột ra vào nhà tắm, lật trở từng bó lá dong xanh, sợ thiếu nước, lá kém tươi lại không kịp chờ để lên đến nhà giàn. Anh nói nửa đùa, nửa thật: “Đêm nay sẽ cắt cử mấy anh em không say sóng đi trực canh mấy chậu lá dong này nhé. Không có lá để các anh em gói bánh chưng là coi như mất một nửa Tết đấy các đồng chí ạ…”. Thực ra, màu Tết, vị Tết ấy, suốt 3 đêm đầu tiên trên tàu, dù không cắt cử, phân chia lịch nhưng vẫn được đông đảo anh chị em thức “gác” cẩn thận. Ngủ sao được khi đa phần những đại biểu trong chuyến đi lần này đều là những người lần đầu tiên được ra biển; lần đầu tiên được nghe tiếng sóng vỗ liên hồi dưới thân tàu; lần đầu ăn trên sóng, nằm trên sóng và làm việc trên sóng… Những cảm xúc của “lần đầu” ấy khiến tất cả chúng tôi đều thao thức.
***
Sau những ngày lênh đênh trên biển, con tàu Trường Sa 21 đã kịp quăng neo dưới chân nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau trước thềm Xuân mới. Lựa gió, lựa sóng, quà Tết được đưa lên nhà giàn qua bộ dây kéo nối từ trên nhà giàn xuống mũi tàu. Cũng chẳng giản đơn chút nào, nhưng sau bao nỗ lực, cố gắng, hương vị Tết đất liền cũng đã lên được với các chiến sĩ trên ngôi nhà giữa biển. Những vị khách lạ lần đầu đến đây nhưng sao cảm thấy thân tình quá đỗi trong cái bắt tay, trong câu chào nhau, trong ánh mắt, nụ cười… tất cả đều ánh lên niềm vui khó tả.
Mùa Xuân về trên biển không chỉ có hình ảnh người lính hải quân vững tay súng canh giữ biển trời trước lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, mà còn có cả sắc hoa Xuân rực rỡ, có bánh chưng xanh được chính tay các chiến sĩ gói vuông vắn. Chỉ khác là ở đất liền, bánh được nấu trên bếp củi giữa sự quây quần của gia đình, người thân thì nay, trên ngôi nhà giữa biển, nồi bánh được tiếp nhiệt từ nguồn điện năng lượng mặt trời trong tiếng nói cười xôn xao của những người đồng chí, đồng đội, những vị khách lần đầu ghé thăm.
Xuân về trên biển có bánh chưng vuông được gói bằng loại gạo đặc sản nếp cái hoa vàng.
Tiếng lợn kêu chiều Ba mươi hình như gợi nhắc nỗi nhớ nhà trong lòng người chiến sĩ. Một mùa xuân, hai mùa xuân chưa về đất liền, những chiến sĩ nơi đây ngoài giờ thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chỉ biết lấy thú câu cá làm vui, chăn nuôi, trồng rau, ngắm những giò phong lan vươn mình trước biển để quên đi nỗi xa cách nghìn trùng.
Bữa cơm tất niên trên nhà giàn có thịt lợn, thịt gà, được lính nhà giàn chăn nuôi theo mô hình “chân không chạm đất”; có bánh chưng, có cá, tôm và đặc biệt là món rau xanh trồng trên nhà giàn, lớn lên từ sự chăm bẵm của đôi bàn tay người chiến sĩ và những giọt nước chắt chiu giữa lòng biển mặn. Lấy tiếng còi tàu thay cho pháo hoa. Lấy lời ca tiếng hát “cây nhà lá vườn” thay cho chương trình nghệ thuật chào xuân mới. Thời khắc Giao thừa đã đến. Chúng tôi ngồi bên nhau trong hơi lạnh và mặn của ngọn gió biển; trên những chao đảo, lắc lư của bao đợt sóng xô vào chân nhà giàn. Những lá thư tay mang bao tâm tình của người chị gửi cho đứa em trai, của người mẹ gửi đứa con xa nhà không về đón Tết, của người bạn gái gửi đến người thương... như làm nhòe đi bao đôi mắt nơi đây.
Giữa mênh mông biển, giữa bao la trời… những giai điệu của bài hát “Lướt sóng ra khơi” hào sảng cất lên: “Dạt dào biển mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tàu. Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang tràn ngập tình đất nước quê hương.../ Giặc thù hòng xâm lăng, tay súng ta sẵn sàng. Chiến đấu hi sinh lập nhiều chiến công huy hoàng”… khiến tất cả chúng tôi cùng lặng đi trong khoảnh khắc ấy. Dường như mỗi người đang theo đuổi một xúc cảm riêng, một hình dung riêng về quê hương, về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình... Hùng vĩ lắm, tự hào lắm mà cũng gian nan lắm…
Bài, ảnh: Hoàng Cúc