Trước những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong việc phát triển các cụm công nghiệp (CCN) hiện nay liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT - GPMB), giao đất và xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tập trung kiểm tra, quản lý, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng, thu hút thêm nhiều tổ chức, cá nhân vào sản xuất kinh doanh (SXKD). Qua đó, tạo điều kiện để các CCN phát triển đúng định hướng, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập cho người lao động; đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển KT - XH của địa phương.
Gặp nhiều khó khăn, vướng mắc
Hiện nay, trong 16 CCN đã được thành lập, giao chủ đầu tư với tổng diện tích gần 400 ha, vẫn còn 8 CCN bao gồm CCN làng nghề Minh Phương; CCN Đồng Văn; CCN Trung Nguyên; CCN Thổ Tang - Lũng Hòa; CCN Lý Nhân; CCN Hoàng Lâu; CCN Đồng Thịnh; CCN Đình Chu... gặp khó khăn trong việc thực hiện BT - GPMB do nhiều hộ dân chưa đồng ý ký biên bản kiểm đếm vì cho rằng dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp; đề nghị tăng mức bồi thường, hỗ trợ và bố trí các thửa đất nông nghiệp có vị trí tốt có thể canh tác 3 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa 1 vụ màu, không bị ngập úng để đổi với các thửa đất ở vị trí thu hồi.
CCN làng nghề Tề Lỗ (Yên Lạc) hiện đang gặp khó khăn liên quan đến việc đầu tư công trình nước sạch. Ảnh: Nguyễn Lượng
Việc chậm trong công tác BT - GPMB và giao đất khiến các chủ đầu tư CCN gặp khó, không thể triển khai công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Đến nay, tổng diện tích đất đã được BT - GPMB ở 16 CCN mới đạt tỷ lệ gần 60% và mới bàn giao gần 44% diện tích đất cho các chủ đầu tư; trong đó, có 4/16 CCN đã hoàn thành 100% việc giao đất với tổng diện tích trên 112 ha, 6 CCN đã thực hiện giao đất một phần với tổng diện tích đất được giao đạt gần 57%, còn lại 6 CCN chưa thực hiện giao đất.
Hiện 8 CCN đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào CCN, các địa phương đề nghị UBND tỉnh xem xét cho đầu tư.
Cụ thể, liên quan về công trình nước sạch gồm CCN làng nghề Yên Đồng, CCN làng nghề Tề Lỗ, CCN làng nghề Minh Phương, CCN làng nghề Đồng Văn, CCN Hoàng Lâu. Về giao thông (đường gom) có CCN Đồng Sóc, CCN Hợp Thịnh; hệ thống thoát nước ngoài CCN có CCN Hoàng Lâu; về nhà ở xã hội có CCN Đồng Sóc; dự án thủy lợi có CCN Đình Chu...
Nâng cao hiệu quả quản lý
Việc phát triển các CCN trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ, bổ sung cho các KCN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình, cá nhân có nhiều cơ hội tiếp cận mặt bằng, có địa điểm phát triển SXKD; góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, chuyển đổi cơ cấu lao động và từng bước giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu sản xuất tập trung tại khu vực nông thôn.
Dự án CCN làng nghề Minh Phương đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: Nguyễn Lượng
Tuy nhiên, quá trình phát triển CCN có những tồn tại kéo dài từ các năm trước đây, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực đất đai cùng các quy định liên quan đến quản lý phát triển CCN còn nhiều bất cập, quy trình, thủ tục đầu tư chưa đồng bộ với Luật Đầu tư; chưa có quy định về giám sát, đánh giá đầu tư; chưa có quy định về chế tài xử lý đối với các dự án chậm tiến độ... gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước đối với các CCN.
Mặt khác, một số chủ đầu tư chưa chủ động, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác BT - GPMB, điển hình trong số đó là chủ đầu tư CCN thị trấn Yên Lạc.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo điều kiện để các CCN phát triển đúng định hướng, phát huy hiệu quả, tại Văn bản số 9808, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu UBND các huyện, thành phố ưu tiên nguồn nhân lực, có kế hoạch cụ thể giải quyết các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ BT - GPMB, sớm giao đất cho các chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn.
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng, trật tự trị an trong các CCN; kiên quyết không để tình trạng dân cư sinh sống trong các CCN.
Tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Yên Lạc có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư CCN thị trấn Yên Lạc thực hiện BT - GPMB phần diện tích còn lại (khoảng 0,9 ha) để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định; nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp công trình xử lý nước thải của CCN làng nghề Tề Lỗ, Yên Đồng đảm bảo các yêu cầu về BVMT.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vướng mắc liên quan đến chính sách, chế độ sử dụng đất tại các CCN.
Phối hợp với UBND cấp huyện, chủ đầu tư hướng dẫn và đẩy nhanh công tác lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý dứt điểm tồn tại về đất đai tại CCN Tề Lỗ, CCN Yên Đồng.
Giao Sở Công thương chủ trì làm việc với các sở Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng và các đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết đề nghị của các nhà đầu tư về đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào CCN theo quy định.
Lưu Nhung