Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mở ra bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử dân tộc, chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân.
78 năm qua, tinh thần bất diệt của những ngày tháng Tám lịch sử vẫn luôn cổ vũ, động viên mỗi người dân đất Việt nói chung, người dân Vĩnh Phúc nói riêng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua khó khăn, thử thách, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Trong những năm 1930-1945, trên địa bàn Vĩnh Phúc (lúc này gồm 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên), thực dân Pháp câu kết với địa chủ phong kiến ra sức thực hiện các chính sách áp bức, bóc lột vô cùng dã man, tàn bạo, khiến đời sống nhân dân lâm vào cảnh lầm than.
Những tư liệu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh đã ghi lại cuộc sống mưu sinh của người nông dân gắn với nghề phu kéo xe, hay những dụng cụ lao động thực dân Pháp trang bị cho những người bị bắt nô dịch phải làm phu đập đá, làm đường, làm nhà cho chúng ở trên núi Tam Đảo trong những năm đầu thế kỷ XX.
Trong cuộc sống hằng ngày, họ phải ở trong ngôi nhà tranh vách đất. Đến vật dụng đơn giản nhất như bát ăn cơm cũng không có, họ phải tự chế làm bằng gỗ…
Bằng khoán điền thổ, văn khế, giấy ủy quyền - các văn bằng liên quan đến việc xác nhận địa chủ mua lại nhà của những người nông dân thống khổ; hay các loại thẻ thuế thân của nông dân huyện Lập Thạch, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Yên) sử dụng từ năm 1921-1944.
Các hiện vật tố cáo tội ác của thực dân, địa chủ phong kiến. Chẳng hạn quả cân được thực dân Pháp dùng để cân gạo và thức ăn cấp cho người lao động. Quả cân này khi sử dụng sẽ không chính xác (cân thiếu), vì vậy người lao động không nhận được đủ khẩu phần như chúng công bố.
Trong khi nông dân chân lấm tay bùn, thì bọn địa chủ cường hào được sử dụng những vật phẩm xa xỉ như giày da. Ngoài ra, bọn chúng còn được thực dân Pháp cung cấp các loại vũ khí có độ sát thương cao để đàn áp dân lành.
Tháng 6/1933, từ Chi bộ đồn điền Đa Phúc (Chi bộ đầu tiên ở tỉnh Phúc Yên, thành lập tháng 3/1933), đồng chí Lê Đình Tuyển được cử đi gây dựng cơ sở cách mạng ở đồn điền Tam Lộng (Bình Xuyên, Vĩnh Yên). Từ những hạt giống đỏ, tháng 10/1933, tại khu bãi sậy ven sông Cà Lồ, thuộc ấp Hương Đà, thôn Tam Lộng, xã Hương Sơn, đồng chí Lê Đình Tuyển đã chủ trì hội nghị thành lập Chi bộ đồn điền Tam Lộng - Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Yên.
Các tổ chức Đảng cũng lần lượt được ra đời như: Chi bộ Vĩnh Tường (tháng 8/1938), Chi bộ Dẫn Tự - Hòa Lạc (năm 1939)...
Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 15/8/1945, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, các địa phương trong tỉnh đã chớp thời cơ đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Đến ngày 24/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở cấp huyện trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi có phần đóng góp quan trọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.
78 năm qua, phát huy truyền thống vùng đất văn hiến, giàu truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển, phồn thịnh.
Kiên định với quan điểm lấy công nghiệp làm nền tảng, Vĩnh Phúc có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, thuộc top đầu những tỉnh, thành có đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Vĩnh Phúc còn được biết đến là vùng đất du lịch nức tiếng.
Khi đã có kinh tế vững chắc, Vĩnh Phúc không ngừng đầu tư cho an sinh xã hội.
Làm thay đổi diện mạo những vùng quê vốn được coi là khó khăn nhất của tỉnh.
Không dừng lại ở đó, để hướng về nông thôn, hướng về người nông dân, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Hiện nay, cả hệ thống chính trị đang tập trung xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu mang bản sắc riêng của Vĩnh Phúc nhằm không ngừng nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Chùm ảnh của Khánh Linh