... Hình ảnh đó đang diễn ra khá phổ biến trước cổng nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Những chiếc xe lưu động bày bán đủ thứ hàng hóa thực phẩm, đồ uống, mà phần lớn trong số đó khó xác định được nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng; một số loại chế biến tại chỗ không được che đậy cẩn thận… xuất hiện ngày càng nhiều.
Khách hàng thường xuyên là các em học sinh, nhưng người bán thì không rõ lai lịch, địa chỉ, nên rất khó kiểm soát nếu có vấn đề xảy ra. Rẻ và ngon - là hai tiêu chí khiến các em học sinh dễ dàng bỏ qua những lời căn dặn của người lớn về an toàn thực phẩm để chọn mua những loại thực phẩm này.
Hiện, bên cạnh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các cơ quan chức năng còn cảnh báo mối nguy khác đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước đó là ma túy khi “núp bóng” dưới dạng nước giải khát, bánh kẹo…
Một trong số nhiều xe lưu động lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng ăn sáng trước cổng trường mầm non và THCS Tân Tiến, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường.
Khi người bán không đủ chỗ ngồi, các em chọn cho mình những vị trí tạm bợ để ăn sáng.
Một xe bán hàng rong khác lại thu hút các em mẫu giáo bởi các loại đồ ăn vặt với màu sắc sặc sỡ, hình thù bắt mắt.
Nhiều đồ ăn khoái khẩu của các em bằng tiếng nước ngoài mà ngay chính bản thân người bán cũng không biết nguồn gốc, xuất xứ.
Thậm chí không nhãn mác...
Những loại thực phẩm này không chỉ thu hút nhiều học sinh…
… ngay cả những phụ huynh cũng ''tiếp tay'' cho các cửa hàng trở nên sôi động hơn.
Hiện nay, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không có đăng ký kinh doanh thuộc về UBND các xã, phường, thị trấn, căn cứ theo Khoản 4, Điều 7, Quyết định số 09/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Còn đây là một quầy xe đẩy bán hàng rong thường xuyên xuất hiện ngay cổng Trường THCS Liên Bảo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên. Các loại thực phẩm, vật dụng chế biến đặt ngay trên nền gạch, ngang tầm bước chân người qua lại.
Khoang chứa thực phẩm cũng là nơi cất bàn, ghế.
Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có nêu rõ: Kinh doanh ở khu vực công cộng, hè đường phố; nơi bày bán thực phẩm phải cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh; có đủ thiết bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm.
Thức ăn, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng, côn trùng xâm nhập; người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống phải dùng găng tay sử dụng 1 lần.
Khu vực ăn uống tạm bợ, cách chế biến không đảm bảo vệ sinh, nhưng lại thu hút rất đông thực khách của một xe hàng rong tại cổng Trường THCS Khai Quang, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên.
Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Sở Y tế), thực phẩm từ những quán hàng rong cũng có thể gây ra nguy cơ ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính do vi khuẩn, thực phẩm hư hỏng, nguồn gốc thực phẩm, điều kiện bảo quản, hoặc do dụng cụ chế biến không đảm bảo. Điều quan trọng là phụ huynh, nhà trường cần giáo dục, tuyên truyền để trẻ biết bảo vệ sức khỏe, lựa chọn thực phẩm bày bán và chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh; không mua thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Chùm ảnh của Hà Phương