Kỳ họp thứ 10 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến sẽ xem xét, thông qua 15 nghị quyết chuyên đề và một số nghị quyết về điều chỉnh, phê duyệt chủ trương dự án đầu tư công. Đặc biệt tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh dự kiến sẽ ra nghị quyết thông qua Đề án Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và nghị quyết ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025. Đây là những nghị quyết đặc thù sẽ được ban hành bắt nguồn từ sự nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh sẽ chính thức khai mạc vào chiều 27/4, người dân ở các địa phương được lựa chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đang rất háo hức, mong chờ.
Với sự đồng thuận của nhân dân, Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Khoái Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 6 nghìn m2 theo quy hoạch. Ảnh: Nguyễn Khánh
“Cú huých” tạo động lực
Đề án thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh với các cơ chế hỗ trợ đặc thù nhằm hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp… tạo cơ hội để các địa phương gìn giữ, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để thực hiện mục tiêu này, trước tiên, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng công trình thiết chế văn hóa - thể thao với các quy định chi tiết về các hạng mục nhà văn hóa thôn và sân bãi; khu thể dục thể thao; khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh; khu hệ thống hạ tầng kỹ thuật; kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá, tập kết, mua sắm sản phẩm địa phương tiêu biểu; gắn kết với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của làng.
Tiếp đến là tập trung hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại, tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách với các quy định, quy chế, quy ước, hương ước nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập của người dân…
Chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đang được triển khai sâu rộng ở các địa phương thực hiện thí điểm. Phấn khởi và đồng thuận với chủ trương này, người dân sẵn sàng tham gia vào quá trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với vai trò vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng.
Bắt tay vào xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, diện mạo thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường ngày một thay đổi khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Nguyễn Khánh
Là một trong những địa phương được lựa chọn thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, thôn Khoái Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô hiện có hơn 100 hộ dân làm nghề buôn bán hoa, cây cảnh, hàng gốm sứ, tiểu thủ công nghiệp. Theo quy hoạch, Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Khoái Trung có diện tích 6.400 m2, gồm một số hạng mục công trình chính như nhà sinh hoạt cộng đồng (có sức chứa 200 chỗ ngồi), khu vực vườn hoa, cây xanh, sân bóng chuyền, sân bóng đá mi ni…
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bác Bùi Văn Đồng cho biết: "Ngay khi triển khai thí điểm, công tác tuyên truyền cũng được xã triển khai kịp thời, hiệu quả, sâu rộng dưới nhiều hình thức. Đồng thời, xây dựng bộ hương ước làng văn hóa dưới sự góp ý đồng thuận của người dân. Nhờ đó, người dân dần nâng cao ý thức giữ gìn thuần phong mỹ tục, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; các hủ tục, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi”.
Theo quy hoạch, Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bác phấn khởi chia sẻ: "Năm 2022, thôn Khoái Trung được UBND tỉnh trao Bằng công nhận làng nghề hoa cây cảnh. Đây là tiền đề, động lực để chính quyền và người dân trong thôn nỗ lực hoàn thiện các hạng mục của Làng văn hóa kiểu mẫu, từ đó sẽ giúp tăng vẻ đẹp cũng như giá trị làng nghề phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương".
Khi được chọn là một trong những địa phương thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu, người dân thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường rất vui mừng. Bí thư chi bộ thôn Bàn Mạch Lữ Thị Minh chia sẻ: "Việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống làng nghề của địa phương, tạo ra giá trị kinh tế lớn, làm giàu cho quê hương. Đồng thời, với khu trưng bày, trải nghiệm cho du khách khi tới Làng văn hóa kiểu mẫu Lý Nhân không chỉ là nơi cung cấp mặt hàng rèn, mà sẽ là một địa chỉ du lịch văn hóa”.
Háo hức, chờ mong
Theo dự kiến, một trong những nghị quyết quan trọng được thông qua tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh lần này là nghị quyết ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025.
Nghị quyết quy định cụ thể 16 điều cơ bản nhằm hỗ trợ người dân ở các Làng văn hóa kiểu mẫu. Dù chưa chính thức ban hành, nhưng không khó để khẳng định đây là nghị quyết rất đúng, trúng, hợp lòng dân khi được hình thành từ sự gần gũi nắm bắt, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Là một trong những người đầu tiên đưa nghề trồng hoa, cây cảnh về thôn Khoái Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, ông Nguyễn Văn Thuật hào hứng chia sẻ: "Tôi rất vui mừng khi biết thông tin tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ thông qua nghị quyết về một số chính sách đặc thù hỗ trợ người dân ở Làng văn hóa kiểu mẫu.
Anh Nguyễn Văn Thuật thôn Khoái Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô chia sẻ: "Chúng tôi rất mong muốn nghị quyết sớm được thông qua để đồng hành cùng người dân trong việc phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn". Ảnh: Nguyễn Khánh
Hầu hết người dân ở thôn Khoái Trung đều nắm rõ điều kiện được hỗ trợ mô hình xây dựng vườn sản xuất (trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu, trồng rau sạch, trồng hoa, cây cảnh), bởi vậy, chúng tôi rất mong muốn nghị quyết sớm được thông qua để đồng hành cùng người dân trong việc phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn".
Háo hức, chờ đợi - Đó là cảm nhận chung của phóng viên khi tiếp xúc với những người dân ở các địa phương được lựa chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trước thềm kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh lần này. Ai cũng mong chờ những cơ chế, chính sách được HĐND tỉnh quyết nghị tại kỳ họp lần này sẽ góp phần cải thiện thu nhập của người dân; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước.
Anh Phùng Văn Đô, Giám đốc HTX Rèn thanh niên xã Lý Nhân tâm sự: "Chúng tôi rất mong chờ những chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân ở Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được ban hành tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này. Đặc biệt đối với những hộ kinh doanh việc hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là một cơ hội tốt để chúng tôi tiếp cận nguồn vốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh".
Với mục tiêu hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống thông qua các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đặc trưng Làng văn hóa kiểu mẫu là sáng kiến của Vĩnh Phúc nhằm tạo điểm nhấn về kinh tế, văn hóa của các địa phương. Một mô hình chưa có tiền lệ, vừa làm, vừa lắng nghe, đúc rút kinh nghiệm, nhưng đã và đang được kỳ vọng chỉ một vài năm nữa sẽ hình thành những ngôi làng giàu có gắn với nghề truyền thống. Điều quan trọng nhất là chính người dân tham gia xây dựng, vận hành và thụ hưởng.
Một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025:Hỗ trợ: Mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại; mô hình điểm du lịch cộng đồng; mô hình du lịch Homestay (khách lưu trú và trải nghiệm văn hóa sinh hoạt gia đình tại nhà dân), Farmstay (khách lưu trú, trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa tại trang trại); mô hình xây dựng vườn sản xuất (trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu, trồng rau sạch, trồng hoa, cây cảnh); mô hình bảo vệ và phát huy giá trị nhà ở có giá trị kiến trúc; vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc; lập quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được xếp hạng; duy trì thường xuyên hạ tầng, cảnh quan và môi trường; phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ quy tập các mộ riêng lẻ về nghĩa trang; sắp xếp lại các cột điện hạ thế đảm bảo cảnh quan, an toàn; đào tạo nhân viên y tế thôn, tổ dân phố đạt chuẩn theo khung chương trình do Bộ Y tế quy định; tự nguyện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư hoặc tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư.
Thiệu Vũ