Nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chính sách của tỉnh; chú trọng công tác lập và thực hiện quy hoạch; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu tiên nguồn vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, cùng vị trí địa lý thuận lợi… Bình Xuyên đã khẳng định được vị thế là huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh.
Huyện Bình Xuyên hiện có 7 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với quy mô gần 1.900 ha. Đến nay, toàn huyện có 336 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 5,4 tỷ USD. Quý I/2023, giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện (tính theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 43.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành ước đạt gần 48.000 tỷ đồng, tăng 12,63% so với cùng kỳ năm 2022.
(Trong ảnh một góc KCN Bình Xuyên và Bá Thiện 1).
Tỷ lệ lấp đầy các KCN tăng đều theo từng năm, trong đó, KCN là Bình Xuyên II (ảnh trên) và KCN Bá Thiện II (ảnh dưới) giai đoạn I đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Để tập trung thu hút đầu tư, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác lập quy hoạch các cụm, KCN, tập trung GPMB; đầu tư cơ sở hạ tầng thu hút nhiều dự án có quy mô lớn đến đầu tư; ưu tiên nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông, kết nối thuận tiện giữa các địa phương với các khu, cụm công nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển bền vững…
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư, xây dựng, tạo sự liên thông, kết nối thuận tiện giữa các địa phương với các khu, cụm công nghiệp và giữa các nhà máy, các KCN.
Cùng với đó, hệ thống điện được bố trí hài hòa, bảo đảm đáp ứng đầy đủ điện cho sản xuất…
Để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp, Bình Xuyên đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, bằng việc triển khai xây dựng Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô 83 ha, được xây dựng tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi.
Trên địa bàn huyện có 7 KCN, trong đó 5 KCN đang hoạt động với diện tích gần 1.200 ha gồm KCN Bình Xuyên, KCN Bình Xuyên II, KCN Bá Thiện, KCN Bá Thiện II, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc. Đáng chú ý, cả 5 KCN này đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung với quy mô xử lý đạt 17 nghìn m3/ngày, đêm, trong khi tổng lượng nước thải phát sinh tại 5 KCN ước hơn 8 nghìn m3/ngày, đêm. Đối với lượng nước thải nêu trên, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm xử lý đạt quy chuẩn theo quy định của công ty hạ tầng KCN, sau đó được đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.
Để phát triển bền vững, hệ thống cảnh quan, cây xanh được chú trọng thực hiện không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Với chiến lược bài bản, khoa học, bền vững, Bình Xuyên được nhiều nhà đầu tư chọn làm bến đỗ như Piaggio Việt Nam. Hiện tổng mức đầu tư của Piaggio đạt 165 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động; quy mô sản xuất, lắp ráp xe máy tay ga, xe mô tô, xe gắn máy đạt 400.000 sản phẩm/năm; quy mô sản xuất, lắp ráp động cơ 400.000 sản phẩm/năm.
Công nghiệp điện tử ngày càng giữ vị thế quan trọng nhờ hàm lượng chất xám cao, thân thiện với môi trường. Nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Công ty TNHH TKR, KCN Bá Thiện 2, 3 năm trở lại đây doanh thu hàng năm đều đạt từ 125-400 tỷ đồng.
Hiện nay, các KCN trên địa bàn huyện Bình Xuyên tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, lao động ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Chùm ảnh Khánh Linh