Xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường được mệnh danh là “thủ phủ bò sữa” của tỉnh, với quy mô khoảng 10.000 con. Ước tính, mỗi ngày, lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi này lên tới 250 tấn. Thời gian gần đây, phân bò được nhiều đơn vị đến thu mua với giá 7.000-15.000 đồng/bao. Những tưởng điều này sẽ ít nhiều góp phần thiểu ô nhiễm môi trường, song lại đang bộc lộ nhiều bất cập. Đó là chất thải được tập kết bừa bãi, không chỉ gây ô nhiễm mà còn làm cảnh quan trở nên nhếch nhác; hoạt động thu gom diễn ra tự phát, không đảm bảo quy trình xử lý khiến mạch nước ngầm, kênh mương tưới tiêu phục vụ nông nghiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng...
Với giá 7.000-15.000 đồng/bao, phân bò từ chỗ bỏ đi lại là nguồn thu nhập của nhiều hộ gia đình. Theo tìm hiểu của phóng viên, những người làm nghề thu gom phân có ngày thu nhập lên đến 2 triệu đồng
Phân bò được người dân chia làm 2 loại, phân tươi (được lấy trực tiếp từ các chuồng trại) và hoai mục (được thải ra môi trường trong quá trình vệ sinh chuồng trại)
Với phân tươi, sau khi được phơi khô, đóng trong bao tải sẽ có giá 15.000 đồng, chưa tính công vận chuyển. Chính vì vậy, nhiều hộ dân sau khi thu mua sẽ tìm các bãi đất trống để có thể tập kết với số lượng lớn
Còn loại hoai mục, trong quá trình các hộ gia đình tẩy rửa chuồng trại, sẽ được xả thải trực tiếp ra cống rãnh, mương tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Để tận thu, người dân sẽ tìm cách tạo ra các vách ngăn, bể lắng như thế này
Sau đó vớt, tập kết lên các tuyến đường để đóng thành bao với giá 7.000 đồng
Phân bò nằm rải rác khắp các thôn, xóm…
… xâm phạm cả những nơi tôn nghiêm như nghĩa trang
Để thuận tiện, phân bò còn được tập kết chất thành từng đống trên mặt đường, sát ngay Trường tiểu học Vĩnh Thịnh. Hiện nay, 13 thôn của xã Vĩnh Thịnh, thôn nào cũng có gia đình nuôi bò sữa. Toàn xã có hàng nghìn con bò sữa đang sống trong khu dân cư. Ô nhiễm môi trường ở đây thực sự là vấn đề nhức nhối. Song, để giải quyết được phần nào vấn nạn này, người dân, chính quyền nơi đây tha thiết, mong mỏi các cấp chính quyền sớm triển khai dự án “Thí điểm đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường, giai đoạn 2017-2020”. Tuy nhiên, do gặp một số vướng mắc, nên dự án đã dừng lại và chưa biết đến bao giờ mới có thể triển khai...
Chùm ảnh của Hà Phương -Nguyễn Lượng