Sáng 6/1, Ban chỉ đạo Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” tổ chức hội nghị quán triệt nội dung triển khai đề án.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Khánh Linh
Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo đề án; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo đề án. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Trung Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Bá Huy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Bùi Huy Vĩnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã quán triệt những nội dung cần thiết khi xây dựng đề án này. Thiết chế văn hóa thôn, tổ dân phố đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, là cơ sở để xây dựng đời sống mới.
Toàn tỉnh hiện có 1.237/1.237 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao (đạt 100%); trong đó, có 1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Diện tích đảm bảo từ 500m2 trở lên, có các công trình như nhà văn hóa thôn, sân tập luyện thể thao đơn giản, thiết bị hoạt động đảm bảo tiêu chí nông thôn mới.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về xã nông thôn nâng cao, xã nông thôn kiểu mẫu theo Quyết định 318 và Quyết định 319 của Thủ tướng Chính phủ thì cơ sở vật chất văn hóa ở các địa phương hiện nay vẫn còn đơn điệu, chưa phát huy được công năng và đặc biệt, đời sống văn hóa tinh thần người dân đang ngày một nâng cao nên thiết chế văn hóa hiện nay không theo kịp sự phát triển chung của xã hội.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các công trình văn hóa, thể thao chưa được xây dựng đồng bộ, liên hoàn, chưa có tính liên kết giữa các công trình; việc quản lý, khai thác chưa phát huy hiệu quả; trang thiết bị nhà văn hóa, dụng cụ thể dục thể thao chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là ở các thiết chế thể thao xã, thôn, tổ dân phố.
Khả năng kết nối các công trình tâm linh (hiện có)… gắn với phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm thế mạnh tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập của các tầng lớp nhân dân trong các thôn chưa được thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh
Với mục tiêu hình thành các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, qua đó cải thiện thu nhập của người dân; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước; nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế thì việc xây dựng Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng Văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo đề án, từ năm 2023, mỗi huyện, thành phố triển khai thí điểm tối đa 3 mô hình (riêng huyện Vĩnh Tường lựa chọn 4 mô hình), không chọn 2 mô hình trên một xã được chọn thí điểm.
Ưu tiên lựa chọn các làng có quỹ đất phù hợp để có thể tích hợp được tất cả các hạng mục đầu tư ở gần nhau và có lợi thế so sánh về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái.
Điều kiện thí điểm phải là thôn có hệ thống chính trị vững mạnh; có điều kiện tích hợp cả 3 hạng mục, đảm bảo diện tích tối thiểu nhà văn hóa thôn và sân bãi 800m2; khu thể dục thể thao 800m2; khu vườn dạo, cây xanh tối thiểu 500m2; thôn có lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, du lịch, làng nghề của địa phương.
Đặc biệt, các khu chức năng nhà văn hóa kết hợp trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm... của địa phương.
Đầu tư xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp các nhà văn hóa hiện có. Diện tích xây dựng đáp ứng yêu cầu phục vụ, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan. Khu thể thao, đầu tư xây dựng mới, gồm sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân cầu lông, khu thể dục thể thao ngoài trời khác, bãi đỗ xe…
Trang thiết bị, dụng cụ thể thao được đầu tư đồng bộ với công trình. Khu cảnh quan, đường dạo, kết nối khu tín ngưỡng, tôn giáo (hiện có) cũng đầu tư xây dựng mới. Phương án thiết kế phù hợp với điều kiện thực tế tại vị trí dự kiến đầu tư xây dựng. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.
Theo đó, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thành phố không quá 20 tỷ đồng/mô hình. Phần tăng thêm (nếu có), do ngân sách huyện, ngân sách xã cân đối và huy động nguồn xã hội hóa. Khuyến khích sự tham gia đóng góp kinh phí, hiện vật, công lao động của người dân, cộng đồng xã hội. Năm 2023, sẽ có 28 thôn, tổ dân phố được thí điểm triển khai xây dựng.
Đại biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh
Thảo luận, đóng góp ý kiến vào đề án, các đại biểu thể hiện sự quyết tâm, phấn khởi khi được chọn để triển khai xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu và cam kết, thực hiện theo đúng tiêu chí, phát huy được giá trị của làng văn hóa. Bên cạnh đó, nhất quán quan điểm xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu cần huy động vai trò của hệ thống chính trị, của nhân dân để triển khai đề án thành công.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cũng khẳng định, thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” là một bước tiến sâu để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng đời sống cho người dân trong chuỗi hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, cần chọn những làng văn hóa kiểu mẫu gắn với tiêu chí phải có hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết; đồng thời, quá trình triển khai, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân khi không thực hiện hiệu quả.
Vĩnh Phúc là tỉnh hoàn thành sớm xây dựng nông thôn mới ở cấp xã. Làng văn hóa kiểu mẫu phải là nơi diễn ra các hoạt động ý nghĩa, đời sống kinh tế của người dân phát triển, tình làng nghĩa xóm gắn kết, tình người được coi trọng, nhân rộng; kiến trúc cảnh quan văn minh; chi bộ, chính quyền và các đoàn thể hoạt động gương mẫu…
Ngoài diện tích xây dựng phù hợp, cần phát triển kinh tế, nghiên cứu theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ; không ô nhiễm môi trường, tổ chức lại sản xuất theo thế mạnh của từng làng nghề các địa phương, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ cho người dân.
Thực hiện cơ chế cho xây dựng làng nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ người dân các mô hình sản xuất, phát triển thương mại, dịch vụ tạo ra các sản phẩm tốt, sản phẩm đặc trưng của địa phương, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Làng văn hóa kiểu mẫu không chỉ đầu tư về hạ tầng mà còn vun đắp, chăm lo tinh thần cho con người; mọi người dân được kiến tạo, quản lý, thụ hưởng thành quả của mình.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các huyện, thành phố cần có kế hoạch triển khai cụ thể để các mô hình điểm có sự lan tỏa, để mỗi người dân được tìm hiểu truyền thống của địa phương mình, cảm nhận được ý nghĩa tốt đẹp nhân văn các phong tục, từ đó, giữ gìn các giá trị văn hóa bản sắc của chính mình thì văn hóa mới đi vào thực chất và trở thành nguồn lực, nguồn vốn phục vụ cho phát triển, được các thế hệ trân trọng và kết tiếp; đồng thời, cần trình phương án hỗ trợ và tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.
Các sở, ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch tuyên truyên, đăng tải thông tin rộng rãi phản ánh quá trình triển khai và tổ chức thực hiện, tham mưu cuộc thi sáng tác về chủ đề này với mong muốn mọi người dân Vĩnh Phúc phải được hưởng thành quả từ sự phát triển, người dân phải được hưởng thụ đời sống tinh thần từ chính nơi mình sống một cách tốt nhất.
Thu Thủy