Đó là cách nói ví von để chỉ nghề bện dây chạc của một số hộ dân thôn Nghinh Tiên, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc. Những người làm công việc này phải di chuyển khoảng 10-15 km mỗi ngày để se các sợi dây chạc. Công việc đòi hỏi sức khỏe phải dẻo dai nhưng cách làm khá đơn giản và đem lại thu nhập ổn định cho người lao động.
Nghề bện dây chạc xuất hiện hơn 10 năm nay tại thôn Nghinh Tiên và hiện nay trong thôn có 3 hộ thường xuyên sản xuất.
Nguyên liệu là dây nhựa, nilon tổng hợp được nhập từ các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang.
Để làm ra thành phẩm, chỉ cần 3 người phụ trách 1 tổ máy. Một người làm nhiệm vụ chia dây để buộc vào các mô tơ điện.
Những người còn lại có nhiệm vụ chạy và se dây bằng cách buộc các sợi nilon vào một cái cào, sau đó di chuyển hàng trăm mét mỗi lượt để căng dài sợi dây (cả ngày có thể phải đi bộ gần 20 km). Để tránh bị rối, các sợi dây sẽ chạy qua giá sắt để sẵn gọi là “lược”.
Công đoạn này ngoài việc di chuyển nhiều, đòi hỏi sự dẻo dai, khỏe mạnh thì sự phối hợp nhịp nhàng, tỉ mỉ cũng rất cần thiết để hạn chế việc dây bị rối, làm ảnh hưởng đến tiến độ, năng suất công việc.
Chạc sau khi được bện xong sẽ dùng dao được nung nóng cắt thành từng đoạn.
Anh Trần Bá Trường, một hộ sản xuất dây chạc tại thôn Nghinh Tiên cho biết: “Với 3 tổ máy sản xuất, trung bình mỗi ngày, gia đình anh làm được 1 tấn sản phẩm, đồng thời cần khoảng 18 lao động với mức thù lao 180.000 đồng/ngày”.
Sản phẩm được đem đi tiêu thụ ở các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh.
Chùm ảnh của Khánh Linh