Trong dòng chảy lịch sử, Lập Thạch là vùng đất cổ, giàu truyền thống văn hiến. Trải qua các thời kỳ, Lập Thạch đã sản sinh, nuôi dưỡng và cung cấp cho đất nước nhiều hiền tài hết lòng phụng sự nhân dân, được ghi vào trang sử hào hùng của dân tộc, tiêu biểu có thể kể đến nhà giáo Đỗ Khắc Chung, lưỡng quốc Trạng nguyên Triệu Thái.
Xuôi theo dòng Lô Giang, Sơn Đông là địa phương cuối cùng ở phía Nam huyện Lập Thạch. Nơi đây có 1 ngôi làng nổi tiếng gần xa với tên gọi "làng tiến sĩ", "làng Quan Tử" hay còn gọi "làng Gốm". Hàng thế kỷ trước, làng cổ văn hiến này là trung tâm giáo dục, là cái nôi sinh ra hàng chục người đỗ đạt cao dưới thời phong kiến, nổi danh có nhà giáo Đỗ Khắc Chung
Ông sinh ngày 24 tháng 11 năm Đinh Mùi (1247) tại làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn (còn gọi là Hiệp Sơn), tỉnh Hưng Yên. Tuy không sinh ra ở Vĩnh Phúc, song ông từng có thời kỳ dạy học ở làng Gốm (thời Trần là ấp Đông Sơn, lộ Tam Giang) và gắn bó sâu sắc với vùng đất này. Sử sách ghi chép lại, ông còn là một nhà quân sự, nhà ngoại giao có tài, thông thạo văn chương. Sau khi ông mất, đền thờ ông được nhân dân lập nên vào khoảng giữa thế kỷ XIV trên nền lớp học cũ mà nhà giáo dùng làm nơi dạy học cho nhiều thế hệ con em dân làng Quan Tử
Đến năm 1929 đền được trùng tu, sửa chữa và giữ nguyên cho đến ngày nay
Không gian cổ kính, trầm mặc bên trong khuôn viên đền thờ
Đền thờ Triệu Thái tại xã Đồng Ích. Ông thi đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Minh Thành Tổ (Trung Quốc). Khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, ông lấy cớ xin về nước thăm nom cha mẹ để theo phò giúp Lê Lợi. Khi nước nhà độc lập, Lê Thái Tổ mở kỳ thi đại khoa chọn hiền sĩ. Triệu Thái lại ra ứng thí, ông đỗ đầu và trở thành người khai khoa của vương triều Lê Sơ
Tại ban thờ, ông hiện có 2 bức hoành phi “Tiến sĩ lưỡng quốc từ” và “Định quốc điều luật” (sinh thời ông là một trong những người soạn thảo Bộ luật Hồng Đức)
Sau khi qua đời, Triệu Thái được người dân quê tôn là thành hoàng làng, có sắc chỉ vua ban.
Bia ghi danh ông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám được sao chép lại, bài trí trong hậu cung đền thờ. Tại Vĩnh Phúc, tên của ông được lưu danh tại Văn Miếu tỉnh và được chọn đặt tên cho ngôi trường ở quê hương Lập Thạch, cùng một con đường ở thành phố Vĩnh Yên
Theo gia phả Triệu tộc, đền thờ Triệu Thái được xây dựng từ lúc ông còn tại thế. Sau này, đền thờ được tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Năm 1994, đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Triệu Thái được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
Chùm ảnh của Khánh Linh