Kỳ 2: Gỡ rào cản, phát huy nội lực
Công tác giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh những năm gần đây được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đất đai, góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực tại các địa phương.
Dang dở cơ hội đầu tư
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ căn cứ, điều kiện, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là cơ sở quan trọng giúp các địa phương lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, khắc phục tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Phối cảnh KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (Lập Thạch)
Song trên thực tế, tiến độ thu hồi đất của một số dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Một số công trình, dự án phải thu hồi đất ở nhưng việc xác định giá đất ở cụ thể để tính bồi thường (BT), hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn do giá đất thực tế chuyển nhượng cao hơn rất nhiều so với giá đất theo hợp đồng chuyển nhượng.
Chưa kể hồ sơ địa chính của một số địa phương không đầy đủ, thiếu chính xác; bản đồ địa chính chưa được chỉnh lý biến động kịp thời, gây khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất đai, chủ sở hữu hợp pháp làm cơ sở cho việc lập phương án BT, hỗ trợ các hộ dân.
Một số hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi không nhất trí với chủ trương, chính sách hiện hành, yêu cầu phải được BT theo giá thỏa thuận cao hơn giá quy định, do vậy không phối hợp thực hiện kiểm kê, dẫn đến mất nhiều thời gian để vận động, tuyên truyền, giải thích...
Đặc biệt là trình tự, thủ tục liên quan đến đầu tư, liên quan đến nghĩa vụ tài chính của các dự án có tính chất hỗn hợp, nhiều mục đích sử dụng; các dự án chuyển tiếp; các dự án chuyển đổi mục tiêu đầu tư gắn với việc chuyển mục đích sử dụng đất...
Đáng nói, một số dự án triển khai đầu tư chậm trễ, kéo dài, không đảm bảo tiến độ, không đưa đất vào sử dụng... vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng đã ảnh hưởng đến một số nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất để triển khai dự án, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, hiệu quả thu hút đầu tư và phát triển KT - XH của tỉnh.
Dự án KCN Chấn Hưng - Một trong những KCN nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy hoạch, sau khi đi vào hoạt động, KCN này sẽ tập trung thu hút các ngành sản xuất công nghiệp ít gây ô nhiễm môi trường, các ngành công nghiệp chủ đạo, như cơ khí chế tạo, thiết bị chính xác, kết cấu thép, chế tạo động cơ, sản xuất khuôn mẫu cho các sản phẩm kim loại và phi kim loại, thiết bị nâng hạ...
Thế nhưng, sau nhiều lần “lỡ hẹn”, đến nay, công tác GPMB tại KCN này vẫn còn đang “bỏ ngỏ”. Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản bãi bỏ, thu hồi quyết định giao chủ đầu tư KCN Chấn Hưng.
Cùng với đó, tại Quyết định số 529/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, UBND huyện Vĩnh Tường được giao nhiệm vụ hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phải hoàn thành xong công tác GPMB KCN Chấn Hưng.
Bịt “lỗ hổng” trong quản lý đất đai
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2011 - 2021, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi trên 4.700 ha đất các loại (bao gồm, trên 1.405 ha đất lúa; trên 1.680 ha đất nông nghiệp; đất lâm nghiệp gần 400 ha; đất chưa sử dụng trên 14 ha và một số loại đất phi nông nghiệp); đồng thời ban hành các quyết định giao đất, điều chỉnh giao đất, cho thuê đất để thực hiện trên 1.530 công trình, dự án với tổng diện tích gần 4.650 ha.
Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ, KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (Lập Thạch) sản xuất kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương
Hầu hết các dự án được giao đất, thuê đất cơ bản triển khai theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; thủ tục phê duyệt giới thiệu địa điểm, thu hồi và giao đất hầu hết đều có sự đồng thuận của chính quyền các cấp nên việc thu hồi, giao đất đảm bảo nguyên tắc, phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Việc triển khai đầu tư dự án đảm bảo theo tiến độ đã được chấp thuận và tiến độ đã cam kết; nhiều dự án đã hoàn thành, sử dụng đất có hiệu quả và đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái.
Không ít dự án đầu tư trong lĩnh vực SXKD có quy mô sử dụng lao động lớn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh, tăng thu ngân sách, tạo động lực cho phát triển KT - XH, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.
Phát huy hiệu quả đầu tư nhờ giao đất, thuê đất để triển khai các dự án phát triển công nghiệp, tháng 2/2021, Công ty cổ phần đầu tư Amane được Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II - giai đoạn 1).
Dự án được phê duyệt sử dụng hơn 145 ha đất với tổng vốn đầu tư gần 775 tỷ đồng. Quyết tâm cùng với chính quyền địa phương giải quyết các “nút thắt” về đền bù GPMB để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đến nay Công ty cổ phần đầu tư Amane đã thực hiện kiểm kê được 83/hơn 112 ha (đạt 74% diện tích); quy chủ kiểm kê được gần 30 ha (đạt 26% diện tích); ra quyết định thu hồi và phương án BT, hỗ trợ GPMB hơn 60 ha (đạt 54% diện tích).
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Amane khẳng định: Dù việc triển khai dự án hiện còn gặp một số khó khăn liên quan đến khung giá đất cho thuê, tiến độ bàn giao mặt bằng sạch... nhưng để đảm bảo tiến độ của dự án, chúng tôi đang phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thu hồi đất đai, bồi thường, hỗ trợ GPMB, khẩn trương xây dựng hạ tầng KCN để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện Lập Thạch".
Bài, ảnh: Ngọc Lan - Hồng Tính - Việt Sơn