Với tư duy đổi mới, sáng tạo, cùng sự cần cù, chịu khó, người nông dân thời kỳ hội nhập đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp qua việc thuần hóa nhiều giống cây nhập ngoại, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề mở rộng sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại.
Không phụ thuộc vào mùa vụ, không ảnh hưởng bởi đồng đất, có thể luân canh 3 vụ/năm, mô hình các giống dưa nhập ngoại trồng trên giá thể, ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Xuân Học, xã Hồng Châu (Yên Lạc) đang đưa nông sản sạch đến người tiêu dùng, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bãi.
Ngay từ giai đoạn gieo hạt giống, dưa được trồng trong một giá thể riêng đặt trên mặt đất có bạt lót bảo vệ môi trường.
Sử dụng hệ thống châm dinh dưỡng thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt, để giảm thiểu tác động, sâu bệnh hại đến cây trồng.
Quá trình thụ phấn cho cây được thực hiện thủ công.
Sau khi dưa đậu trái, chỉ giữ lại một quả để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.
Với tổng diện tích trên 5.000 m2 trồng các loại dưa nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, cho sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người Việt bởi vị ngọt, giòn và thơm.
Mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định.
Anh Hồ Văn Thành chia sẻ: Khó khăn lớn của các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là chi phí cải tạo đất đai, cây giống và nhà màng đầu tư kinh phí lớn. Do đó rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cơ quan chức năng hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn, hiệu quả.
Đây là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bởi nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày càng tăng.
Chùm ảnh của Nguyễn Lượng - Trà Hương