Từ xa xưa, bánh đúc làng Đanh đã nổi tiếng khắp nơi và trở thành nghề truyền thống của làng Đinh Xá, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc. Bánh có hương vị đặc trưng, khác hẳn bánh đúc ở những nơi khác, bánh có màu trắng ngà của gạo mới, mùi thơm của lạc, vừng quyện trong thớ bánh mềm dai, càng ăn càng ngọt, vị ngọt của cây lúa lớn lên từ đất mẹ.
Theo thời gian, món bánh đúc dần xa vời với nhiều thực khách. Ở làng Đanh cũng không còn nhiều người theo nghề này nữa, nhưng vẫn còn một số người luôn trăn trở giữ nghề, quyết tâm gìn giữ hương vị truyền thống của quê hương.
Nguyên liệu làm bánh đúc gồm gạo tẻ (gạo Q5 hoặc Khang dân), lạc rang, vừng trắng, cùi dừa (bào thành sợi), nước vôi (linh hồn tạo nên vị đặc trưng của bánh đúc phải là vôi củ đã tôi qua thời gian ít nhất 1 năm. Nước trong, không có sỏi, không cặn)
Lá chuối bánh tẻ được rửa sạch, lau khô để khi bánh chín đổ vào khuôn, bánh không bị dính
Gạo tẻ được ngâm cùng vôi trong 2 giờ. Đây là khâu rất quan trọng. Vôi vừa đủ thì bánh mới dẻo, mềm. Nếu nhiều vôi bánh sẽ nồng, ít vôi bánh sẽ nhạt, không có vị đặc trưng. Sau đó gạo được đãi sạch rồi đem xay thành bột. Bột phải xay thủ công bằng cối, bột mịn, bánh mới dẻo
Khi nấu bánh, nồi gang cần được tráng mỡ trước rồi đổ bột vào, bắc lên bếp, dùng đũa cả khuấy đều và liên tục trong 30-40 phút, sao cho bột không vón, không khê. Lửa nấu bánh vừa phải, không được quá to hoặc quá nhỏ thì bánh mới chín đều và không bị cháy
Khi bột trong nồi sệt lại, chuyển màu vàng tươi thì cho lạc rang, cùi dừa vào đảo đều
Thao tác đổ bánh ra các dụng cụ được tiến hành khẩn trương khi bánh còn đang nóng hổi. Bánh được đổ từ trong nồi ra mẹt hoặc sàng, mâm... đã lót lá chuối tươi, sau đó rắc vừng lên bề mặt bánh
Khoảng 1 tiếng sau, khi bánh nguội, bánh sẽ được cắt thành miếng nhỏ vừa miệng ăn
Khi ăn, chấm bánh với tương được làm ở làng Đanh
Các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm bánh đúc, cùng nhau ôn lại nghề truyền thống của quê hương
Chùm ảnh của Trà Hương-Kim Ngân