Nghề làm đậu Rùa ở xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường đã có từ lâu đời và được công nhận là làng nghề năm 2021. Với đôi bàn tay khéo léo, sự tinh tế cùng bí quyết riêng của các hộ làm nghề, đậu Rùa Tuân Chính có hương vị khác biệt. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, món ăn mang đậm vị quê này được các hộ làm nghề gìn giữ và ngày càng được nhiều người lựa chọn cho bữa ăn của gia đình.
Đậu Rùa Tuân Chính có hai loại, gồm đậu nướng và đậu trắng. Trung bình mỗi nhà làm đậu sẽ sử dụng từ 10 kg đỗ tương để sản xuất ra khoảng 300 miếng đậu phụ
Nguyên liệu làm đậu là đỗ tương hạt to, đều, tròn, bóng và nước chua (loại nước được lên men chua từ phần nước đậu đã vớt hết cái của ngày hôm trước)
Thời gian ngâm đỗ được cân nhắc cẩn thận, khi đỗ nở hết đem xay nhuyễn đổ vào túi vải, vắt và lọc vài lần lấy phần nước sữa đậu
Sữa đậu được đun trên bếp củi khoảng 30 phút, khi sôi nhấc ra thật nhanh, nếu không nước đậu sẽ trào ra ngoài, đậu dễ có mùi khê
Khi nước đậu còn nóng, nhanh tay hòa nước chua vào, khuấy nhẹ tới khi thấy có mảng cái đậu nổi lên thì dừng
Múc cái đậu đổ vào khuôn gỗ, trong khuôn trải sẵn một miếng vải mỏng, khi đầy khuôn thì gói vải lại, dùng vật nặng ép đều bề mặt khuôn để miếng đậu rắn hơn
Để làm ra món đậu Rùa nướng thơm ngon, sau khi ép, đậu được gỡ ra và đưa lên phên nướng trên than hồng. Khi nướng phải nhanh tay lật đậu để đậu có màu vàng đều và không bị cháy. Đậu Rùa khi nướng xong sẽ rắn hơn và dậy mùi thơm như đỗ tương rang
Đậu Rùa - là thực phẩm sạch, món ăn ngon, bổ, rẻ dành cho thực khách khi đến Vĩnh Tường
Chùm ảnh của Trà Hương-Kim Ly