Những ngày này, làng nghề bánh chưng Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường đang bước vào thời điểm bận rộn nhất trong năm. Các hộ làm bánh ai cũng tất bật, hối hả, người rửa lá, nấu đỗ, gói bánh, luộc bánh; người tranh thủ vận chuyển những chiếc bánh vừa chín còn nóng hổi theo các đơn hàng đã đặt... Mùi thơm đặc trưng của gạo nếp, nhân đỗ xanh phả vào không gian khiến ai đến làng nghề cũng cảm nhận như cái Tết đang cận kề.
Lựa chọn gạo nếp mới loại ngon, hạt dài, chắc mẩy, to đều và thơm để làm bánh. Sau khi vo sạch, ngâm nước khoảng 2 giờ thì vớt ra xóc với muối vừa ăn, để ráo nước
Nhân bánh kết hợp từ 2 nguyên liệu thịt lợn và đỗ xanh. Để có một chiếc bánh chưng ngon, hộ làm bánh thường lựa chọn thịt ba chỉ, thái miếng to đều, ướp gia vị muối và hạt tiêu vừa đủ để bánh chín có hương vị đặc trưng. Đỗ xanh để làm bánh ngon nhất là loại đỗ tiêu, đều hạt, được vỡ làm đôi, ngâm khoảng 2 giờ, đãi sạch vỏ có màu vàng óng
Việc rửa lá là khâu rất quan trọng, quyết định tới chất lượng cũng như màu bánh bắt mắt khi bánh chín. Lá dong rừng mua về được rửa sạch qua nhiều nước. Khi rửa, dùng khăn lau 2 mặt của tàu lá cho thật sạch, rồi dùng khăn lau cho ráo nước. Việc rửa lá gói bánh đòi hỏi phải thật cẩn thận, tỉ mỉ
Người thôn Diệm Xuân thường gói bánh chưng có nhân bằng đỗ xanh chưa nấu chín, cứ một lớp gạo, một lớp đỗ và thịt ba chỉ, sau đó lại phủ một lớp gạo được xếp gọn trong lá dong
Phần nhân bánh đặt cân đối, gói bánh khéo léo sao cho vuông vắn (đối với bánh chưng vuông) hoặc tròn trịa (với bánh chưng dài). Nhân bọc kín trong lớp gạo và lớp lá bao bên ngoài
Bánh gói xong sẽ được buộc bằng lạt giang hoặc dây nhựa để định hình chiếc bánh khi luộc 12 giờ liên tục
Không khí tấp nập làm bánh chưng trong mỗi gia đình làm nghề ở làng Diệm Xuân
Bánh chưng ở làng Diệm Xuân có màu xanh và mùi thơm đặc trưng
Chùm ảnh của Kim Ly-Trà Hương