Nếu ai đã từng một lần ghé về huyện Lập Thạch và thưởng thức món cá thính (hay còn gọi là cá muối chua) do người dân địa phương tự tay làm đều không thể quên được hương vị đặc trưng của nó. Ngày nay, cá thính Lập Thạch không chỉ là món ăn dân dã của người dân nơi đây, mà đã trở thành đặc sản của một vùng quê, là món ngon nổi tiếng của ẩm thực xứ Bắc, là món quà dành cho bạn bè, người thân mỗi dịp ghé qua đây.
Cá thính được các hộ dân tập trung sản xuất vào tháng 10 và tháng 11 hằng năm khi nguồn cá tự nhiên dồi dào, tươi ngon nhất
Cá được chọn làm thính phải là cá có vảy, vì vậy, cá chép, cá trắm, cá mè luôn là sự lựa chọn hàng đầu
Cá mang về rửa sạch, cắt khúc, không cạo vảy, trên mỗi miếng cá khía hai đường nhỏ rồi ướp với muối hạt, tỷ lệ cá và muối được người dân đong đo chính xác nhằm đảm bảo chất lượng cho món ăn
Làm thính từ những hạt ngô mới thu hoạch, không mốc, không sâu bệnh; mẻ thính phải có độ vàng đều, độ giòn thơm tạo nên vị chua chua và mằn mặn
Thính để làm cá không được giã thành bột mà là những hạt ngô vỡ nhỏ như hạt tấm để có thể hút cho miếng cá khô không chảy nước và không bị tanh
Sau khi ướp muối từ 5-7 ngày, những miếng cá to được xát đầy thính bên trong và đường khía bên ngoài đến khi nào miếng cá có màu vàng ươm, sau đó, cẩn thận cho vào chum sành và không quên rắc thêm một lớp thính dưới đáy
Để bảo quản và tạo độ chua cho cá, chum cá được úp ngược rồi đặt vào chậu nước muối sao cho miệng chum ngậm nước nhưng lớp rơm không bị ướt, sau 2-3 tháng, cá thính có thể sử dụng được
Cá thính muốn thưởng thức đúng vị chua chua, bùi béo, đậm đà là khi được xoay trên ngọn than hồng, cá vàng đều, thịt cá màu hồng hồng và có mùi thơm của thính
Cá thính Lập Thạch được Tổng Hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trao giấy chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng”, đây chính là động lực để những người làm cá thính tại huyện Lập Thạch tiếp tục quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn nữa sản phẩm của mình ra thị trường.
Chùm ảnh của Dương Chung - Trà Hương