Hơn 60 năm tồn tại, vẻ đẹp kiến trúc của tổ hợp nhà máy xay xát, kho dự trữ lương thực ở phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên vẫn khiến nhiều người xao xuyến. Không chỉ sở hữu những đường nét mềm mại, công trình từng có nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia còn mang đậm nét rêu phong, cổ kính đặc trưng.
Theo người dân trong khu vực, năm 1988, nhà máy xay xát được xây dựng, còn các kho dự trữ lương thực đã có từ những năm 1960 trở về trước. Công trình có kiến trúc Pháp với những mái vòm kiên cố, độc đáo. Tại đây còn có 5 gian nhà cổ do chính người Pháp xây dựng để dự trữ lương thực. Năm 1964, 3/5 gian nhà cổ này bị sập do bom đạn chiến tranh, nay vẫn còn 2 gian đang được người dân sử dụng.
Hiện trong khu vực tổ hợp nhà máy xay xát, kho dự trữ lương thực có hơn 60 hộ dân sinh sống. Phần lớn, họ đều là công nhân của nhà máy đã về hưu và lao động tự do.
Bà Ngô Thị Thành (sinh năm 1951), công nhân nhà máy xay xát cho biết: “Nhà máy thuộc Công ty lương thực Vĩnh Phú (cũ), có công suất xay xát 5 tấn/ca. Năm 1975, khi tôi về đây làm công nhân đã thấy có các kho dự trữ lương thực, còn nhà máy xay xát được xây dựng về sau.
Các kho dự trữ lương thực dùng để chứa gạo, thóc thu mua của nhân dân. Sau khi xay xát, gạo sẽ mang đi cung ứng cho các cửa hàng lương thực ở Vĩnh Yên và các huyện lân cận. Mỗi kho dự trữ lương thực có sức chứa 100-200 tấn gạo (hoặc thóc) nên các bức tường, mái vòm đều dày dặn và kiên cố".
Cũng theo lời bà Thành, ngoài làm công việc tiền lương, bà còn có thời gian làm thủ kho tại nhà máy xay xát. Bấy giờ, trong nhà máy có nhiều công nhân kỹ thuật, công nhân xay xát, lái xe… phục vụ các hoạt động của nhà máy thời kỳ bao cấp và trước đó.
Theo ghi nhận, khu vực tổ hợp nhà máy xay xát, kho dự trữ lương thực rộng khoảng 8.000 m2. Riêng nhà máy xay xát có diện tích hơn 400 m2. Không chỉ gắn bó hơn nửa thế kỷ, tổ hợp công trình còn có ý nghĩa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhất là trong giai đoạn kháng chiến và thời kỳ bao cấp, nên trong mắt người dân địa phương, công trình là niềm tự hào bởi có giá trị ý nghĩa to lớn.
Được biết, sau cổ phần hóa, Công ty lương thực Vĩnh Phú (cũ) nay chuyển thành Công ty Cổ phần Lương thực và Thương mại Vĩnh Phúc. Do không hoạt động, từ lâu nhà máy xát, kho lương thực bị bỏ hoang và đã xuống cấp.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Hoàn, Trưởng Phòng Quản lý đất đai (Sở TN&MT) cho biết: Công ty Cổ phần Lương thực và Thương mại Vĩnh Phúc đã thực hiện bán thanh lý tài sản trên đất cho một doanh nghiệp khác, và họ đang tận dụng phần ngoài mặt đường cho người dân địa phương thuê ki ốt để kinh doanh. Doanh nghiệp này đang đề nghị tỉnh giao đất (có thời hạn) nhưng chưa được chấp thuận.
Lãnh đạo Phòng Quy hoạch – Kiến trúc (Sở Xây Dựng) cho biết thêm: "Năm 2018, toàn bộ khu vực này đã được tỉnh giao Sở Xây dựng lập quy hoạch; UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị khu vực 13, trong đó bao gồm nhà máy xay xát và kho lương thực. Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa tiếp nhận hồ sơ dự án nào triển khai trong khu vực 13…”
Phóng viên Báo Vĩnh Phúc Điện tử đã ghi lại một số hình ảnh về kiến trúc, cuộc sống ngày thường của cư dân trong khu vực tổ hợp nhà máy xay xát, kho dự trữ lương thực.
Công trình cổ kính trầm mặc giữa lòng thành phố trẻ sầm uất...
... dù đã xuống cấp nhưng vẫn thể hiện sự bề thế, uy nghi vốn có một thời.
Các gian nhà kho đều có mái vòm, một số căn được tận dụng làm nơi kinh doanh.
Mái nhà kho lương thực mang nét cổ kính, đậm chất kiến trúc Pháp.
Công trình là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân địa phương.
Hiện nay, trong khu vực nhà có khoảng 60 hộ dân sinh sống.
Cuộc sống bình yên ở khu nhà máy xay, kho dự trữ lương thực.
Bài, ảnh: Hà Trần