Năm ngoái, bầu cử lãnh đạo, quốc hội diễn ra ở hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ của khoảng 4,2 tỉ dân, bao gồm Mỹ, Nhật Bản… Năm 2025 này, tuy số cuộc bầu cử ít hơn nhiều nhưng cũng hàm chứa sự kịch tính không nhỏ.
Trong đó, nổi bật là các cuộc bầu cử ở châu Âu - nơi đang có sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu.
Cực hữu châu Âu
Các cuộc bầu cử ở châu Âu trong năm nay hứa hẹn sẽ có những thay đổi chính trị lớn từ Đức cho đến Romania, Ba Lan hay tại Cộng hòa Séc có thể định hình tương lai của Liên minh Châu Âu (EU).
Ông Friedrich Merz.
Dự kiến, cuối tháng 2 tới, Đức sẽ tổng tuyển cử sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch. Tại Đức, đảng cực hữu AfD thời gian qua nổi lên như một thế lực chính trị mới thu hút sự ảnh hưởng của dư luận nước này. Theo trang Euro News dẫn một khảo sát mới nhất cho thấy AfD đang có tỷ lệ ủng hộ 20,5%, đứng thứ 2 sau Liên minh Dân chủ Kitô Giáo (CDU/CSU) với tỷ lệ 31%. CDU đang tận dụng sự từ chối của cử tri đối với liên minh đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP). Hiện nay, CDU được lãnh đạo bởi ông Friedrich Merz, một ứng cử viên thủ tướng tiềm năng và là người đang đề xuất một chính sách tự do kinh tế hơn so với chính quyền dưới thời bà Angela Merkel, theo xu thế bảo thủ hơn về mặt xã hội, chẳng hạn như trong vấn đề di cư.
Ông Merz, người đã nổi lên trong thời kỳ chính phủ Đức của ông Helmut Kohl, cam kết với một châu Âu tích hợp hơn. Ông muốn khôi phục quan hệ với Pháp và Ba Lan, có xu thế chỉ trích sự phụ thuộc nặng nề của châu Âu vào Mỹ và kêu gọi gửi tên lửa hành trình Taurus đến Ukraine. Taurus là một loại tên lửa mạnh mẽ mà nhiều chính trị gia của Đức muốn hỗ trợ Ukraine. Trong khi đó, vừa qua, tỉ phú Elon Musk ("trùm cuối" hãng xe Tesla của Mỹ) đã thông qua mạng xã hội X thể hiện sự ủng hội đối với AfD nên đây có thể là sự trỗi dậy cho đảng cực hữu tại Đức.
Theo một số dự báo, CDU có thể hình thành một liên minh cầm quyền đủ mạnh để duy trì vị thế chính trị trước các cuộc tấn công từ các đảng phái tại Đức. Tất nhiên, CDU cần ít nhất 2 đảng phái chính trị tham gia. Trong khi đó, làn sóng cực hữu vẫn là thách thức lớn cho châu Âu.
Cũng tại châu Âu, Romania sẽ tổ chức bầu cử tổng thống mới vào năm 2025. Năm 2024, Tòa án Hiến pháp Romania đã hủy bỏ vòng đầu tiên của cuộc bầu cử do lo ngại về sự can thiệp từ nước ngoài đối với vòng bỏ phiếu mà kết quả có ứng cử viên cực hữu Călin Georgescu - ủng hộ Nga, đã tiến vào vòng hai.
Gây cấn Philippines
Trong khi cực hữu là nỗi lo tại châu Âu thì Đông Nam Á đang chờ cuộc bầu cử Philippines - nơi đang diễn ra "cuộc chiến vương quyền". Cuối tháng 11, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố sẽ đáp trả những lời đe dọa "liều lĩnh và rắc rối" nhằm vào ông. Trước đó, cũng trong nửa cuối tháng 11, Phó tổng thống Sara Duterte thông báo nếu mạng sống của bà bị đe dọa thì sẽ cho người ám sát cấp trên, theo Reuters. Lời đe dọa của bà Duterte nhằm vào chính Tổng thống Marcos Jr.
Thực tế, cuộc tranh chấp khốc liệt giữa hai gia tộc chính trị lớn của Philippines là nhà Duterte và nhà Marcos đã xuất hiện bước ngoặt đầy kịch tính sau khi Phó tổng thống Sara Duterte cho hay đã bố trí người ám sát ông Marcos Jr., đệ nhất phu nhân Liza Araneta và Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez, em họ tổng thống.
Tại cuộc họp báo trực tuyến sau nửa đêm 22/11/2024, bà Duterte, con gái cựu Tổng thống Rodrigo Duterte - người đang tranh chức trở lại làm Thị trưởng, đã đưa ra tuyên bố "tuyên chiến" tổng thống đương nhiệm. Vì thế, sự canh tranh giữa hai gia tộc Marcos và Duterte trở thành tương lai chính trị thời gian tới của Philippines.
Q.N (theo Báo Thanh niên)