Dù còn 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán 2025 nhưng tình hình kinh doanh tại các chợ truyền thống vẫn chưa có sự khởi sắc, thậm chí rất đìu hiu. Buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương không mặn mà nhập hàng mới về bán, chỉ mong bán hết được hàng tồn để không bị đọng vốn.
Tiểu thương âu sầu đợi khách
Đó là tâm trạng của hầu hết tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ truyền thống trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, sức mua sắm hàng hóa trên thị trường giảm mạnh.
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên cho thấy, dù sắp Tết Nguyên đán nhưng không khí mua sắm vẫn rất ảm đạm. Ngồi cả ngày nhưng vắng khách, các tiểu thương túm tụm uống nước trà, tán chuyện gẫu, hát karaoke, lướt facebook, thậm chí tranh thủ tập thể dục… để "giết" thời gian rảnh rỗi.
Theo phản ánh của các tiểu thương, năm nay, tình hình kinh doanh dự báo khó khăn hơn những năm trước nên nhiều người cân nhắc, thận trọng nhập ít hàng về bán. Có tiểu thương còn không nhập hàng mới, mong bán hết hàng cũ, hàng tồn để thu hồi vốn.
Ngành hàng giày dép ế ẩm dù thời tiết lạnh và gần đến Tết Nguyên đán 2025.
Chị Nguyễn Thị Lưu, một tiểu thương ngành hàng giày dép ở chợ Vĩnh Yên cho biết: “Chợ truyền thống những ngày này vắng tanh dù sắp Tết Nguyên đán. Thời điểm này, tôi đã nhập hàng mới về phục vụ người dân, nhưng sang tháng (áp Tết) có bán được hay không thì chưa dám nói trước, bởi việc kinh doanh mỗi năm một kém. Như các năm trước, dịp này hàng hóa trong chợ đã túc tắc bán được, nhưng năm nay chưa thấy người dân đi mua sắm, dự báo lại một năm kinh tế buồn”.
Gian hàng của chị Lưu nằm ở đầu dãy (phía bên ngoài) nên hàng hóa còn nhiều và phong phú. Đi sâu vào những dãy bên trong, lượng hàng hóa khá lèo tèo bởi không có khách nên tiểu thương không dám nhập hàng do sợ đọng vốn.
Chưa kịp hỏi hết câu về tình hình kinh doanh dịp cận Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Sự, một tiểu thương bán hàng giày dép ở chợ Vĩnh Yên đã thở dài sườn sượt: “Chợ ế lắm, không có bóng người vào thì buôn bán làm sao. Hàng hóa không bán được nên tôi không dám nhập thêm, còn ít bán nốt, ra Giêng tính đi làm việc khác. Nói không ai tin, nhưng ở những gian hàng trong góc chợ như của tôi thì việc 6-7 ngày không mở hàng là chuyện bình thường. Cả tháng bán được vài đôi dép, doanh thu vài triệu đồng thì khó trụ nổi. Tết Nguyên đán cũng chỉ có 3-5 ngày may ra đông khách, còn lại đều ngồi im”.
Ông Nguyễn Văn Minh, một tiểu thương ngồi sát gian hàng của bà Sự cho biết thêm: “Nhà tôi có 2 ki ốt bán hàng trong chợ Vĩnh Yên nhưng đều trong tình trạng ế ẩm. Hầu hết những người kinh doanh trong chợ đều lớn tuổi nên sử dụng công nghệ còn chưa thành thạo, nói gì đến bán hàng online. Mấy chục năm nay chúng tôi bám trụ ở chợ bán hàng, giờ kinh doanh ế ẩm nhưng cũng chẳng biết làm việc gì. Đi làm công nhân thì không còn sức khỏe và quá tuổi nên vẫn phải đeo bám việc bán hàng ở chợ”.
Ngồi ở cửa hàng ông Minh 1 lúc tôi thấy có 2 khách hàng vào hỏi mua dép. Mừng rỡ, ông Minh bật dậy như chiếc lò xo, ra sức mời mọc, đưa mấy đôi dép cho khách thử. Xem chừng chưa ưng ý, người thanh niên (khách hàng) cứ lắc đầu nguầy nguậy, từ chối không thử vì không đúng chủng loại mình đang tìm. Sau đó, 2 khách hàng này rời đi trong sự hụt hẫng của ông Minh.
Xếp lại những đôi dép vào kệ, ông Minh buồn rầu cho biết: “Mỗi đôi dép nhựa có giá 50.000-60.000 đồng, dù có bán được thì lời lãi cũng chẳng đáng là bao, chưa kể vài ngày mới có người đến mua hàng”.
Hàng trăm tiểu thương bỏ chợ
Vào dịp Tết Nguyên đán, cùng với thực phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu thì các ngành hàng giày dép, quần áo, bát đĩa, bánh kẹo, hoa lụa, mỹ phẩm, đồ gia dụng… cũng có sức tiêu thụ cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của các tiểu thương, tình hình kinh doanh năm nay dự báo còn khó khăn hơn những năm trước.
Chị Nguyễn Thị Thủy, một tiểu thương kinh doanh hoa lụa ở chợ Vĩnh Yên cho biết: Năm nay sức mua so với mọi năm chậm hơn. Thời điểm này, tôi đã nhập đầy đủ hoa lụa về phục vụ khách, nhưng lượng người đến mua sắm không nhiều. Những năm trước, vào dịp này, người dân đã túc tắc đi mua sắm bình hoa lan, hoa hồng hoặc các mặt hàng deco trang trí Tết nhưng năm nay rất vắng vẻ, dù giá cả hàng hóa không tăng, thậm chí giảm nhẹ.
Có thể thấy, thương mại điện tử phát triển bao nhiêu thì kinh doanh truyền thống trầm lắng bấy nhiêu. Từng là những địa điểm mua bán sầm uất, đến nay, các chợ truyền thống trở lên đìu hiu, vắng vẻ dù Tết Nguyên đán đã gần kề.
Theo Ban quản lý chợ Vĩnh Yên, do kinh doanh ế ẩm, hiện nay, số ki ốt dừng hoạt động trong chợ lên tới hơn 200 gian hàng. Nhiều ki ốt bất đắc dĩ trở thành kho hoặc đóng cửa bỏ đấy. Người tiêu dùng đến chợ Vĩnh Yên hiện nay chủ yếu để mua thực phẩm tươi sống còn các ngành hàng khác rất trầm lắng, vài ngày không có người vào mua.
Một tiểu thương ngồi lướt facebook giữa hàng chục ki ốt đóng cửa.
Chợ truyền thống bây giờ không còn cảnh trăm người bán, vạn người mua như trước. Do đó, càng gần Tết, tâm trạng của nhiều tiểu thương càng lo lắng, lòng dạ ngổn ngang, lặng trĩu mối lo âu…
Bài, ảnh: Hà Trần