Bắt nhịp xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, khẳng định Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư.
Xác định một trong những nội dung quan trọng để cạnh tranh, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh đã tập trung quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 02 ngày 5/1/2024 của Chính phủ.
Công ty cổ phần Prime Group (KCN Bình Xuyên) là tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam và khu vực ASEAN. Ảnh: Thế Hùng
Tích hợp 1.594 dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia; cắt giảm tối thiểu 20% thời hạn giải quyết 825 thủ tục hành chính (TTHC) có thời hạn giải quyết hơn 10 ngày làm việc, tổng số ngày cắt giảm so với quy định 4.998 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, mở rộng đầu tư, kinh doanh; tổ chức nhiều hội nghị UBND tỉnh, hội nghị giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các cấp, ngành, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Tạo sự kết nối liên vùng, khơi thông nguồn lực thúc đẩy hội nhập quốc tế, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Các điểm nghẽn về giao thông đã được giải quyết kịp thời phục vụ nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Đến nay, Vĩnh Phúc có cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, trong đó, tuyến đường sắt cấp quốc gia chạy qua dài khoảng 35 km, kết nối Vĩnh Phúc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đi Vân Nam, Trung Quốc.
Đường bộ có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến QL 2, tuyến tránh QL2B, QL2C tổng chiều dài gần 160 km; 17 tuyến đường nội tỉnh tổng chiều dài hơn 370 km; 5 tuyến đường vành đai dài hơn 255 km được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố mà còn hình thành liên kết vùng, tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, xúc tiến đầu tư tạo cơ hội kết nối hệ sinh thái phát triển công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước; tổ chức chương trình không gian triển lãm, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ - kết nối cùng phát triển - “Link to Grow” tại Vĩnh Phúc; triển khai các nội dung hợp tác với tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Pernik (Bungari), vùng Toscana (Italia), ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Signetics.
Nhờ sự đổi mới, năng động, sáng tạo của chính quyền các cấp nên thu hút đầu tư của tỉnh đạt được kết quả tích cực. Tính hết năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 1.326 dự án, trong đó có 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,4 tỷ USD; 845 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 145 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, riêng các KCN số dự án và số vốn đầu tư chiếm 75-80%, tạo ra hơn 120 nghìn việc làm cho người lao động. Nhiều nhà đầu tư lớn đã đầu tư tại tỉnh như Honda, Toyota (Nhật Bản), Piaggio (Italia), HonHai và Compal (Đài Loan), Daewoo (Hàn Quốc)... góp phần hình thành các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất máy tính xách tay, điện thoại di động và ngành điện tử, công nghiệp cơ khí, chế tạo... qua đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.
Theo quy hoạch tỉnh đến năm 2030, Vĩnh Phúc trở thành đô thị loại I, hạt nhân trong vùng kinh tế phía Bắc Việt Nam và là một trong những trung tâm kinh tế lớn của vùng Thủ đô Hà Nội, vì vậy, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở ra không gian phát triển mới; phát triển hạ tầng xanh, an toàn; quan tâm phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao.
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong, ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài; tổ chức các hoạt động giao lưu kinh tế kết hợp xúc tiến thương mại, du lịch để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp; quảng bá mở rộng hình ảnh, con người, văn hóa Vĩnh Phúc đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Mai Liên