Nhằm nâng cao vị thế của tỉnh trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh đã xây dựng môi trường khởi nghiệp, khuyến khích nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp phát triển bền vững.
Nhà máy sản xuất thiết bị IoT/ Smart home của Công ty cổ phần Lumi Việt Nam có công suất thiết kế đạt 1 triệu thiết bị smart home; 500 nghìn thiết bị smart lighting và hàng triệu thiết bị IoT khác.
Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh lần thứ 2 năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh, phát huy tư duy đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh cần có những bước đi nhanh, bền vững trên tất cả các ngành, lĩnh vực để đưa Vĩnh Phúc trở thành điển hình cho hệ sinh thái vùng đồng bằng sông Hồng.
Những năm qua, tỉnh không ngừng nỗ lực xây dựng môi trường khởi nghiệp để khuyến khích tinh thần, nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 130 nghìn dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 6 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được thành lập; 5 doanh nghiệp công nghệ cao được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận.
Đóng góp của khoa học công nghệ trong tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 45%. Đây là minh chứng rõ nhất cho tinh thần tiên phong, khát vọng sáng tạo của tỉnh, nối tiếp truyền thống đổi mới sáng tạo của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Với phương châm lấy doanh nghiệp làm trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tỉnh đã xây dựng mạng lưới kết nối giữa các startup, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách, tạo cơ hội để các ý tưởng sáng tạo phát triển; đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ và KT-XH của tỉnh.
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo được khuyến khích phát triển, đặc biệt tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Lumi Smart Factory là nhà máy sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tỉnh đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ Khoa học và Công nghệ tỉnh để phát triển các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phê duyệt Đề án phát triển Trung tâm ứng dụng và đổi mới sáng tạo tỉnh. Qua đó kết nối, hỗ trợ, liên kết phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo các địa phương lân cận và trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Khẳng định đổi mới sáng tạo giúp tối ưu hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Đàm Đắc Quang, Giám đốc điều hành Lumi Smart Factory Vĩnh Phúc cho biết: Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển, Lumi Việt Nam được biết đến là thương hiệu smarthome chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam và là thương hiệu duy nhất xuất khẩu sản phẩm đến 8 quốc gia trên thế giới.
Từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành thương hiệu tự hào của Việt Nam trong lĩnh vực IoT, tháng 4/2024, Lumi Việt Nam đã khánh thành nhà máy Lumi Smart Factory tại khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc với quy mô 6.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, đây là nhà máy sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhà máy được đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại; áp dụng quy trình sản xuất với dây chuyền công nghệ PCBA theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Nhờ đó, mỗi năm, công suất thiết kế của Lumi Smart Factory đạt 1 triệu thiết bị smart home; 500 nghìn thiết bị smart lighting và hàng triệu thiết bị IoT khác; tư vấn, thiết kế sản phẩm cho nhiều đối tác nước ngoài như Etec - Israel, Hogar Control - Ấn Độ, Eureka - Ấn Độ, Elite - Úc...
Để phong trào khởi nghiệp của tỉnh chuyển sang giai đoạn mới, nâng cao cả về chất và lượng, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học tại tỉnh; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, chú trọng hoạt động nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng các công nghệ mới; từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ thu hút các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo; quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ khoa học và công nghệ tỉnh.
Tỉnh ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình chuyển đổi số, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến, hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế tri thức.
Bài, ảnh: Mai Liên