Để các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới (BĐG) thực sự đi vào cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BĐG. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BĐG, từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tạo mọi điều kiện để phụ nữ và nam giới được thực sự bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình thôn Tiên Long, xã Đạo Trù (Tam Đảo) tuyên truyền chính sách bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi phụ nữ cho thành viên. Ảnh: Kim Ly
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về BĐG trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách; chú trọng lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về BĐG.
Trong lĩnh vực chính trị, các cấp, ngành, địa phương chú trọng thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định pháp luật về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tập trung vào những quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tập trung thanh tra, kiểm tra về các chính sách lao động nữ để đảm bảo nữ giới được thụ hưởng công bằng trong chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và chế độ nghỉ hưu; kiểm tra, giám sát điều kiện lao động, an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực y tế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám, siêu âm chẩn đoán thai nhi vì mục đích lựa chọn giới tính; kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh về việc tiếp nhận, chăm sóc y tế đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới…
Với vai trò là cơ quan thường trực trong việc thực hiện BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra lồng ghép công tác BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại một số địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.
Từ năm 2023 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Thanh tra sở tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động (trong đó có chính sách đối với lao động nữ), an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội tại hơn 30 doanh nghiệp; ban hành 25 kết luận, đưa ra hơn 90 kiến nghị yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện.
Đồng thời thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại 1 huyện; ban hành 1 kết luận, đưa ra 5 kiến nghị yêu cầu địa phương thực hiện.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm, giám sát theo chuyên đề đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ tỉnh đến cơ sở.
Trong đó chú trọng giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BĐG hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ như các chính sách về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội…
Từ năm 2023 đến nay, 100% Hội LHPN các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã chủ trì, tham gia hàng trăm cuộc giám sát với ít nhất 1 chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Điển hình như Hội LHPN thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, huyện Tam Đảo, Tam Dương… tổ chức giám sát trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Hội LHPN tỉnh tổ chức đoàn giám sát việc triển khai, thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2023 tại UBND huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo…
Mới đây, Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh đã làm việc với Thường trực Huyện ủy Lập Thạch, Thành ủy Phúc Yên về công tác cán bộ nữ, đề xuất huyện, thành ủy quan tâm và thực hiện các chính sách đối với cán bộ nữ; lựa chọn cán bộ nữ đưa vào quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng, bố trí luân chuyển, bổ nhiệm.
Trên cơ sở điểm mạnh và những vướng mắc, bất cập được phát hiện qua giám sát, Hội Phụ nữ các cấp kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng cấp hoặc cấp trên về nội dung, cách thức và mức độ tiếp tục thực thi các chính sách hoặc văn bản quy phạm pháp luật có hiệu quả.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BĐG đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về BĐG trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, nhiều chỉ tiêu về BĐG của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, cụ thể như: Tỷ lệ chính quyền địa phương cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt hơn 22%; tỷ lệ chính quyền địa phương cấp xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt gần 30%; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học và trung học cơ sở lần lượt là 99,7% và 97,3%…
Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ ngày càng khẳng định bản lĩnh, vị thế của mình. Số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, điều hành, quản lý ngày càng tăng. Tỷ lệ lao động nữ được đào tạo, nữ cán bộ, công chức được bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao.
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG, trong đó chú trọng đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, thanh tra, giám sát; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG các cấp… từng bước hiện thực hóa mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời kỳ mới.
Mai Thơ