Thực hiện Chỉ thị số 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, toàn diện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tạo điều kiện để ngày càng nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị số 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mỗi địa phương.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách giảm nghèo, UBND tỉnh đã tổ chức ký cam kết giữa Ngân hàng CSXH với UBND các huyện, thành phố về mục tiêu giảm nghèo gắn với chính sách tín dụng hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người nghèo.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ, thôn Vinh Quang, xã Thanh Trù (Vĩnh Yên) được hỗ trợ xây nhà mới khang trang, kiên cố từ Quỹ "Vì người nghèo". Ảnh: Trà Hương
Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo được triển khai lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác; chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình thoát nghèo…
Giai đoạn 2014 - 2024, toàn tỉnh có hơn 250.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, giải quyết việc làm với doanh số cho vay hơn 9.000 tỷ đồng.
Để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, các địa phương đã xây dựng cơ chế phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với các tổ chức chính trị xã hội trong công tác giảm nghèo; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo.
Cùng với triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách của Nhà nước, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ người nghèo như Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo; Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó quy định hỗ trợ thêm để đảm bảo 100% người cận nghèo của tỉnh được cấp BHYT miễn phí; Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh về quy định mức trợ giúp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích đối với học sinh, học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vươn lên trong học tập…
Giai đoạn 2020 - 2024, tỉnh đã dành hơn 1.500 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội, trong đó, nguồn kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo là hơn 445 tỷ đồng. Hiện nay, các cơ chế, chính sách về giảm nghèo của tỉnh đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, một số chính sách hỗ trợ của tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh được triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các cơ chế chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt... đã tạo tiền đề cơ bản để hộ nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, tỉnh tích cực triển khai phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" gắn với đẩy mạnh vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo” và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác hỗ trợ người nghèo.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm còn 0,61%, hoàn thành mục tiêu trước 3 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự kiến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,44%, giảm 0,17% so với cuối năm 2023.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo.
Đồng thời tổ chức hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái", sự chung tay của toàn xã hội trong công tác hỗ trợ người nghèo; đổi mới phương thức hỗ trợ người nghèo theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện, tập trung triển khai các giải pháp tạo sinh kế để hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững; động viên, hướng dẫn người nghèo kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội...
Lê Mơ