Hơn 30 năm trong nghề, “bàn tay vàng” của nghệ nhân Nguyễn Xuân Tráng - nghệ nhân duy nhất ở làng nghề đá truyền thống Hải Lựu (Sông Lô) đã "biến" nhiều khối đá thô sơ, vô tri, vô giác trở thành sản phẩm tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao và được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày.
Với truyền thống gia đình có 3 đời làm nghề chế tác đá, từ nhỏ, anh Nguyễn Xuân Tráng đã được làm quen và vun đắp niềm đam mê với nghề.
Không chỉ học nghề từ gia đình, anh Tráng còn theo học chương trình đào tạo phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh từ năm 1997 - 2000 và 4 năm học nghề từ cố nghệ nhân Nguyễn Sang nổi tiếng ở làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng).
Trở về quê hương, anh Tráng quyết định chọn xã Tân Tiến (Vĩnh Tường) là nơi lập nghiệp. Xưởng chế tác đá của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/tháng và đem về lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm.
Với đôi bàn tay tài hoa và con mắt thẩm mỹ, anh Tráng đã "biến" những khối đá vô tri trở thành những sản phẩm mang vẻ đẹp riêng, sống động và có “hồn”.
Để hoàn thành một bức tượng đá có nhiều đường nét, chi tiết, anh Tráng phải mất vài tháng, thậm chí cả năm trời.
Anh Tráng là người chế tác pho tượng Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni - tác phẩm được ghi vào Sách kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2011, là pho tượng Phật ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam, đặt tại chùa Tùng Vân, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường).
Với nhiều tác phẩm nổi tiếng và thành tích đạt được, năm 2017, anh Nguyễn Xuân Tráng được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Nghệ nhân làng nghề chế tác đá Hải Lựu. Tâm nguyện của anh là nỗ lực đào tạo, truyền nghề cho những người thợ trẻ để nghề chế tác đá Hải Lựu ngày càng phát triển, có thêm nhiều sản phẩm đặc sắc, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chùm ảnh của Trà Hương - Thảo My