Nhờ đẩy mạnh phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK), tăng cường triển khai chương trình bổ sung dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, tầm soát phát hiện sớm các bệnh lý thường gặp, quan tâm CSSK người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... đã góp phần cải thiện đáng kể các chỉ số sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) trong lĩnh vực y tế.
Cán bộ Trạm Y tế xã Yên Dương (Tam Đảo) siêu âm cho phụ nữ mang thai. Ảnh: Kim Ly
Thực hiện chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030, Sở LĐ-TB&XH (cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh) phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác bảo vệ, CSSK cho phụ nữ và trẻ em; tuyên truyền xóa bỏ tư tưởng định kiến về giới, phân biệt đối xử giới. Đồng thời tăng cường các hoạt động nhân Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ sở y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ quy định khám sức khỏe định kỳ cho người lao động gắn với cải thiện điều kiện làm việc, có chế độ ưu tiên dành cho nữ cán bộ, người lao động đang trong thời kỳ mang thai và bà mẹ nuôi con nhỏ, đảm bảo chế độ thai sản và các quyền lợi khác.
Nhằm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất, hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ CSSK chuyên sâu, CSSK sinh sản, mở rộng các hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản, tình dục, tránh thai an toàn đối với người chưa thành niên và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở y tế, phòng khám thực hiện siêu âm, chẩn đoán thai nhi vì mục đích lựa chọn giới tính.
Tại các khu vực miền núi, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác tuyên truyền nâng cao hiệu quả CSSK cho phụ nữ được thực hiện đạt hiệu quả cao.
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có khoảng 36% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Thực hiện công tác CSSK cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, cán bộ Trạm Y tế thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em tiêm vắc xin phòng bệnh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý, theo dõi sức khỏe trong thai kỳ.
Năm 2024, cán bộ Trạm Y tế thị trấn đã phối hợp triển khai khám sàng lọc ung thư cổ tử cung; sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai; khám đo các chỉ số thiếu máu, thiếu sắt cho phụ nữ mang thai và cho con bú. 100% phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén. Trên địa bàn không có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Công tác tuyên truyền, giáo dục CSSK sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên được thực hiện đạt hiệu quả cao".
Nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được khám sàng lọc, xét nghiệm máu miễn phí. Ảnh: Kim Ly
Cùng với Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, các địa phương đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện hiệu quả mục tiêu chiến lược quốc gia về BĐG.
Tại huyện Yên Lạc, chính quyền các cấp luôn chú trọng thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách của tỉnh, các giải pháp thúc đẩy BĐG vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chương trình CSSK cho bà mẹ và trẻ em. Mạng lưới cơ sở y tế từ huyện đến cơ sở không ngừng được củng cố. Tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế đạt hơn 85%. Tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt hơn 90%.
Huyện thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông cung cấp dịch vụ CSSK sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống các bệnh xã hội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền CSSK cho phụ nữ mang thai, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các bà mẹ trong thai kỳ và sau sinh đạt hiệu quả cao.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, các chỉ tiêu về CSSK bà mẹ và trẻ em đã đạt mục tiêu đề ra; nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo vệ và CSSK cho phụ nữ, giảm thiểu các hệ lụy xã hội do mất cân bằng giới tính đã có chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện mục tiêu BĐG trong lĩnh vực y tế vẫn gặp một số khó khăn, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại một số địa phương đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Thực hiện hiệu quả mục tiêu về BĐG trong lĩnh vực y tế, tỉnh tiếp tục tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành, địa phương; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền; tăng cường công tác truyền thông để tạo chuyển biến về nhận thức cho cộng đồng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng và hoàn thiện các dịch vụ CSSK cho phụ nữ và trẻ em.
Quỳnh Hương