Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục huyện Tam Đảo luôn nỗ lực tiếp cận với mặt bằng chung ngành Giáo dục của tỉnh. Góp phần vào thành tích chung đó phải kể đến những nhà giáo tiêu biểu trong sự nghiệp “trồng người”. Những người thầy, người cô được ví như người “đưa đò” thầm lặng, chắp cánh cho biết bao thế hệ học trò tới những chân trời tri thức mới. Họ là những “bông hoa đẹp”, giúp ngành Giáo dục của địa phương ngày càng phát triển.
Người truyền cảm hứng
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống là nhà giáo, tuổi thơ của cô Trần Thị Thanh Huyền - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Tam Đảo gắn liền với những trang giáo án của bố mẹ. Ước mơ được làm cô giáo đứng trên bục giảng cũng xuất phát từ đó.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc (nay là Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc), năm 1994, cô bắt đầu sự nghiệp “trồng người” tại Trường THCS Hợp Châu, xã Hợp Châu. Đến năm 2005, khi Trường THCS Tam Đảo được thành lập, cô đã chuyển công tác về ngôi trường này và gắn bó cho tới nay.
Cô Huyền bộc bạch: “Đã 30 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày đầu nhận công tác và trở thành một giáo viên. Tôi rất biết ơn những thầy, cô đi trước luôn tận tình dìu dắt, hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong giảng dạy để tôi vượt qua những khó khăn, áp lực của nghề giáo. Nhờ đó, tôi ngày càng tiến bộ, trưởng thành và hơn hết là hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với từng thế hệ học sinh”.
Cô Trần Thị Thanh Huyền tận tình hướng dẫn học trò ngoài giờ lên lớp.
Xác định phương pháp giảng dạy là yếu tố quyết định sự hứng thú trong học tập của học sinh, cô Huyền luôn tìm tòi, nghiên cứu để chọn lựa những phương pháp dạy học hay, hiệu quả. Cô đã khéo léo biến mỗi giờ học thành những buổi trao đổi thi đua giữa các nhóm để tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ học. Không chỉ chú trọng dạy kiến thức, cô còn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em học sinh.
Cô Huyền chia sẻ: “Học sinh bậc THCS có nhiều thay đổi về tâm lý nên việc học của các em cũng có nhiều thay đổi nếu không được kèm cặp sát sao. Mặt khác, các em cũng sẽ có sự lựa chọn học lệch theo khối nên để tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi môn học, giờ học thì đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên phải luôn nỗ lực không ngừng".
Trong năm học 2023 - 2024 vừa qua, sức khỏe của cô Huyền không được tốt, nhiều lần cô phải đi điều trị bệnh. Nhưng bằng nghị lực, tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương với học trò, cô đã vượt qua được những khó khăn của bản thân, bám trường, bám lớp và mang lại nhiều “trái ngọt” cho nhà trường cũng như học sinh thân yêu của mình. Kết quả thi vào lớp 10 môn Ngữ văn do cô đảm nhận năm học 2023 - 2024 của Trường THCS Tam Đảo đứng thứ 4 trong toàn tỉnh. Đây là một cột mốc đánh dấu sự thành công rực rỡ trong suốt những năm tháng “trồng người” của cô.
Với những cống hiến trong ngành Giáo dục, cô Huyền đã được tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bằng khen của UBND tỉnh...
Nhưng với cô Huyền, phần thưởng lớn nhất mà cô nhận được đó là cô đã dùng bản lĩnh, tình yêu của mình để truyền cảm hứng học tập cho biết bao thế hệ học trò, để các bạn thêm yêu thích môn Ngữ văn và đạt nhiều kết quả cao trong các kỳ thi.
Tận tâm với nghề
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp cô giáo trẻ Lưu Thị Xuân - giáo viên lớp mầm non 5 tuổi, Trường Mầm non Minh Quang là nụ cười tươi và sự năng động, nhiệt huyết, nhưng ẩn sau đó là những khó khăn, vất vả mà cô đã trải qua.
Bố mẹ mất sớm, cô Xuân phải lớn lên trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Thiếu hơi ấm của gia đình, nhưng cô luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành ước mơ của mình - ước mơ trở thành cô giáo mầm non.
Với 14 năm công tác trong nghề, hành trang người giáo viên trẻ mang theo là niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và ước mơ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu đứng lớp, cô Xuân chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã ước mơ trở thành cô giáo. Ước mơ ấy lớn dần theo thời gian và khi thực sự trở thành cô giáo, tôi càng yêu và trân quý nghề mình chọn. Ngoài kiến thức về chuyên môn, điều quan trọng mà giáo viên mầm non phải có là tình thương yêu, tính chịu khó, kiên trì, bởi trẻ ở lứa tuổi mầm non rất hiếu động, tinh nghịch”.
Cô Lưu Thị Xuân luôn tâm huyết với sự nghiệp "trồng người".
Ngôi trường cô đang công tác nằm ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo nên chủ yếu học sinh là người dân tộc Sán Dìu và đặc biệt hơn, lớp cô Xuân chủ nhiệm có 100% học sinh là người dân tộc Sán Dìu, trong đó nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật. Trải qua tuổi thơ không trọn vẹn, cô thấu hiểu những khó khăn mà học sinh của mình đang gặp phải.
Đối với trẻ khuyết tật, cô chủ động soạn giảng các bài học, chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi phù hợp với trẻ, tạo ra bầu không khí vui vẻ, không có khoảng cách trong mỗi giờ học, giờ chơi để giúp các em có thể tự tin hòa đồng với các bạn trong lớp.
Không chỉ vậy, cô Xuân còn luôn có mặt kịp thời khi học sinh của cô gặp khó khăn trong học tập hay trong cuộc sống. Bằng ý chí và nghị lực của mình, cô đã chứng minh rằng dù có khó khăn đến đâu, nhưng với sự kiên trì, sự tự tin vào bản thân thì sẽ có thể biến ước mơ trở thành hiện thực.
Bằng tình yêu nghề, mến trẻ và sự nỗ lực không ngừng của bản thân, cô Lưu Thị Xuân nhiều năm liền được UBND huyện tặng Giấy khen, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Cô Xuân xứng đáng là tấm gương điển hình trong cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Cô Huyền, cô Xuân là những giáo viên tiêu biểu của ngành Giáo dục Tam Đảo. Các cô đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp "trồng người", xứng đáng là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Hải Yến (Trung tâm VH-TT-TT Tam Đảo)