Với sự bùng nổ của mạng xã hội, các hội, nhóm, nhất là những nhóm “kín” xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh mặt tích cực nhằm chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực của đời sống thì thì cũng xuất hiện không ít hội, nhóm có thông tin, hình ảnh phản cảm, tiêu cực, thậm có tư tưởng lệch lạc; hoặc hội, nhóm lập nên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Tránh để “tiền mất, tật mang”, bên cạnh những giải pháp đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng, thì mỗi người dân cần trang bị kiến thức, ý thức tuân thủ pháp luật; cảnh giác khi tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội.
Mới đây, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo liên quan đến các hội, nhóm “tư vấn sức khỏe”. Hành vi này không chỉ khiến người dân thiệt hại về kinh tế, mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe vì có nguy cơ sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.
Lực lượng Công an tỉnh tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác khi tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội. Ảnh: Dương Hà
Cụ thể, một nạn nhân bị bệnh xương khớp lâu năm đã tham gia một số nhóm “kín” để được tư vấn sức khỏe, chia sẻ những kinh nghiệm điều trị. Trên nhóm có đăng bài quảng cáo sản phẩm thuốc đông y, cam kết 100% hiệu quả.
Thấy có khuyến mãi nên nạn nhân đã đặt mua về sử dụng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, nạn nhân thấy thuốc có bao bì, hình thức, mùi hơi khác lạ nên đã mang thuốc đến cơ sở y tế tư vấn, thì bác sĩ cho biết, loại thuốc này hoàn toàn không trị được bệnh khớp. Sau đó, nạn nhân hỏi lại người bán về chất lượng của thuốc thì không liên hệ được với “nhà thuốc online” kia.
Lợi dụng tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, các đối tượng xấu đã tạo lập các fanpage, rồi gọi điện, gửi lời mời tham gia nhằm lôi kéo nạn nhân vào hội, nhóm. Các đối tượng dùng nhiều chiêu trò để người tham gia lầm tưởng là thuốc tốt, người bệnh uống thuốc sẽ có tác dụng. Tin vào những lời quảng cáo, nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo chiếm đoạt từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng để mua thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng trước các dịch vụ khám, chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội. Nếu có nhu cầu khám, chữa bệnh, người dân nên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép. Ngoài ra, người dân chỉ nên sử dụng các địa chỉ khám chữa bệnh online được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng…
Trên các nền tảng mạng xã hội còn xuất hiện nhiều hội, nhóm “kín” có hệ tư tưởng tiêu cực, nhưng lại thu hút lượng lớn các thành viên tham gia, tương tác. Vấn đề thường được đề cập trong nhóm mang tính tiêu cực, lôi kéo, xúi giục thành viên thực hiện những hành vi trái với chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật. Cơ quan công an đã điều tra, giải quyết không ít vụ việc, đối tượng thông qua các hội, nhóm “kín” rủ nhau vi phạm pháp luật.
Điển hình, tháng 3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã làm rõ vụ án cướp giật 1 tỷ đồng tại thành phố Vĩnh Yên do các đối tượng quen nhau qua nền tảng mạng xã hội thực hiện.
Do nợ nần, thiếu tiền tiêu xài, các đối tượng đã tham gia nhóm Facebook “Hội những người vỡ nợ muốn làm việc liều". Sau đó, hẹn nhau đi cướp 1 tỉ đồng của 1 phụ nữ vừa rút tiền ở ngân hàng về.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện hội, nhóm có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều hội, nhóm có đông thành viên, liên tục cập nhật tình hình đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm của giới trẻ, hoạt động tiềm ẩn, phức tạp, khó kiểm soát.
Không ít hội, nhóm được tạo lập để hoạt động lừa đảo trực tuyến, quảng cáo game trái phép, rao bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tiền giả, giấy tờ giả, chất cấm, mại dâm, “tín dụng đen”... hoặc mang đậm tính mê tín, dị đoan nhưng thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Thậm chí xuất hiện các hội, nhóm có tên gọi và nội dung hướng đến cộng đồng những người gặp vấn đề về tâm lý, có xu hướng muốn tự tử, chia sẻ nhiều thông tin tiêu cực, kích động, hướng dẫn cách thức tự tử, ảnh hưởng lớn đến tâm lý thành viên, nhất là giới trẻ; tiềm ẩn nguy cơ tạo làn sóng tiêu cực tìm đến cái chết để giải tỏa áp lực…
Mạng xã hội là ảo, nhưng hệ lụy từ các hội, nhóm tiêu cực là thực và cần được ngăn chặn kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc đối với đời sống xã hội. Do đó, lực lượng Công an tỉnh chủ động nắm tình hình hoạt động của những đối tượng tham gia các hội, nhóm trên không gian mạng có liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các trang, nhóm của ngành để tuyên truyền, định hướng thông tin đúng đắn; kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tuyên truyền kiến thức an ninh mạng, an toàn thông tin, chống lộ, lọt dữ liệu cá nhân và phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đến học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn.
Qua đó giúp thanh, thiếu niên hiểu rõ hơn về những hành vi bị nghiêm cấm cũng như hình thức xử phạt, không để bị kích động, lôi kéo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia vào các hội, nhóm trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng; xử lý nghiêm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Kim Hiền