Tiếp tục chương trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 21/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Sau đó thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Cơ bản đồng ý với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc dẫn chứng: Căn cứ khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thực tế cho thấy việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương phù hợp với quy hoạch vùng cũng như quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; phù hợp với quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời đảm bảo các điều kiện là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và địa phương; đảm bảo yêu cầu về quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo các yếu tố về văn hóa, lịch sử…
Đại biểu Trần Văn Tiến thảo luận tại hội trường ngày 21/11.
Cũng theo đại biểu Trần Văn Tiến, dân số và diện tích hiện tại của tỉnh Thừa Thiên Huế đều đáp ứng yêu cầu theo quy định, số lượng đơn vị hành chính đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Đặc biệt quan tâm đến tên gọi của thành phố sau khi trực thuộc Trung ương, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng: Dự thảo quy định tên thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay thành phố Huế là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, bởi vậy, nếu lấy tên là thành phố Huế trực thuộc Trung ương thì rất dễ bị nhầm lẫn là chỉ thành phố Huế hiện tại là thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, để tránh nhầm lẫn về tên gọi, đại biểu Trần Văn Tiến đề xuất lấy tên gọi là thành phố Thừa Thiên Huế. Bởi tên gọi như vậy sẽ bao quát hết cả tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.
Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị chính quyền các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế nên tổ chức lấy ý kiến của nhân dân để tạo sự đồng thuận về tên gọi đối với thành phố khi trực thuộc Trung ương.
Thiệu Vũ