Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, chủ trương, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ, đội ngũ cán bộ nữ nói chung và đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý nói riêng đã có sự phát triển không ngừng cả về số lượng, chất lượng, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào vị trí lãnh đạo, quản lý, các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều địa phương trong cả nước đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay trong xây dựng đội ngũ cán bộ nữ và tăng cường sự tham chính của phụ nữ.
Tỉnh Lào Cai gặp mặt, biểu dương nữ lãnh đạo quản lý nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10.
Những mô hình mới, cách làm hay
Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15-3-2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 2244/KH-UBND ngày 30-7-2021 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quy định số 11-QĐ/TU ngày 28-3-2022 của Tỉnh ủy về công tác quy hoạch cán bộ, xác định cơ cấu nữ trong quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện từ 25% trở lên, cấp xã phấn đấu từ 15% trở lên, quy hoạch ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện từ 15% trở lên, quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý phải có cán bộ nữ; Quy định số 13-QĐ/TU ngày 27-7-2022 của Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ và Quy định số 15-QĐ/TU, ngày 20-10-2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Tỉnh đã có những chính sách tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học, tiếp cận với khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng; áp dụng cơ chế, chính sách mới về đào tạo, bồi dưỡng ngay từ khâu quy hoạch. Cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng, một số tỉ lệ đạt và vượt mục tiêu, trong 5 năm (2018-2023) đã cử 1.089 lượt cán bộ nữ cấp tỉnh, cấp huyện đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị, chiếm 39,3% (trong đó cấp tỉnh 737, cấp huyện 352); 5.816 lượt cán bộ nữ tham gia bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chiếm 34,49% (cấp tỉnh 4.176, cấp huyện 1.640); công tác quy hoạch cán bộ nữ được chú trọng với 2.887 lượt quy hoạch, chiếm 25,18% (trong đó cấp tỉnh 828, cấp huyện 2.059).
Để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, Tỉnh ủy, các cấp ủy chú trọng lãnh đạo triển khai thực hiện tốt công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh, phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, doanh nhân được quan tâm. Cán bộ nữ được bổ nhiệm, bầu giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp ngày càng tăng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng nguồn cán bộ nữ trẻ, nữ dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh; đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh từng bước tăng lên về số lượng và chất lượng; phụ nữ ngày càng được tạo điều kiện, tôn trọng, bình đẳng trong gia đình và xã hội; phụ nữ tham gia cấp ủy, tham gia đại biểu HĐND các cấp, lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tăng. Trong 5 năm qua, cán bộ nữ được điều động, bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp là 284 người; tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện tăng so với nhiệm kỳ trước 19,64% (tăng 1,4%); cấp tỉnh 14,89% (tăng 0,89%); nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, đạt 16,67%; nữ đại biểu HĐND các cấp, trong đó cấp tỉnh 38%, cấp huyện 34,58% (tăng 6,75%).
Việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm được các ngành, các cấp thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch và đúng quy trình, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ vào các vị trí chủ chốt. Đến nay, đa số cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ nữ nói riêng sau khi được đào tạo, bồi dưỡng được bố trí vào các vị trí việc làm phù hợp đã phát huy được năng lực, sở trường cá nhân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã xây dựng Đề án số 15-ĐA/TU về “Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 – 2030”. Đề án đặt mục tiêu nhiệm kỳ 2025 - 2030, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy viên cấp xã đạt trên 25%. Để hoàn thành mục tiêu này, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Đến năm 2023, trong hệ thống chính trị của Tuyên Quang, ở hầu hết các lĩnh vực, cán bộ nữ đã đảm nhận những vị trí quan trọng. Số cán bộ nữ đang giữ các chức vụ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 61/234 người, chiếm 26,07%; quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030 là 222/721 người, chiếm 30,79%. Trong đó số cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh 14/48 người, chiếm 29,17%; quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030 là 18/68 người, chiếm 26,47%.
Cán bộ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh là 23/55 người, chiếm 41,82%, trong đó có 3 đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh đều là nữ. Các nữ đại biểu HĐND luôn thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh, ở địa phương, tham gia giám sát những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc, trực tiếp liên quan đến đời sống của đại bộ phận nhân dân
Ở cấp huyện, cán bộ nữ đang giữ các chức vụ diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý là 169/822 người, chiếm 20,56%; quy hoạch các chức danh cán bộ diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 1.668/3.092 người chiếm 53,95%; quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030 là 1.590/2.778 người, chiếm 57,24%. Trong đó, tham gia cấp ủy cấp huyện 62/309 người, chiếm 20,06%; quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030 là 159/454 người, chiếm 35,02%. Phụ nữ tham gia HĐND cấp huyện là 84/237 người, chiếm 35,44%. Ở cấp xã tổng số cán bộ nữ là 903/2.965, chiếm tỷ lệ 33,51%, trong đó cấp ủy viên xã 557 người, chiếm tỷ lệ 28,88%; nữ tham gia HĐND xã 1.006 người, chiếm tỷ lệ 33,62%.
Để triển khai Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 – 2030, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo nguồn cán bộ nữ, đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý, sát hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, phát huy năng lực, tương xứng với vai trò của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, Ban Thường vu Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành các nghị quyết chuyên đề và các văn bản hướng dẫn về công tác cán bộ theo phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nữ; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ, đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo cơ cấu nữ theo quy định. Trong đó, xác định cụ thể tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy, quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp, tỷ lệ nữ trong lãnh đạo chủ chốt và những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện.
Để nâng cao tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh còn luôn quan tâm chỉ đạo lựa chọn những cán bộ trẻ, nữ tiêu biểu xuất sắc so với đội ngũ cán bộ trong cùng một tổ chức, cơ quan, đơn vị và cùng địa phương để đưa vào quy hoạch và có quy định cụ thể về số lượng, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy. Thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ nữ nhằm phát hiện những nhân tố mới có triển vọng bổ sung vào quy hoạch. 100% cán bộ nữ trong quy hoạch đều được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn do Trung ương và tỉnh tổ chức..., từng bước nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhiều cán bộ nữ khi được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, cùng tập thể thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt các cấp ngày càng tăng. Nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ nữ tham gia ban chấp hành, ban thường vụ cấp uỷ các cấp, nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tăng lên. Cụ thể, cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh là 6/53 đồng chí, đạt 11,3%; tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 1/15 đồng chí, đạt 6,66%; cán bộ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khoá XV là 4/8 đại biểu, đạt 50%; đại biểu HĐND tỉnh là 15/61 đại biểu, đạt 24,59%. Cán bộ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ huyện, thành phố là 72/448 đồng chí, đạt 16,07%; tham gia ban thường vụ huyện uỷ, thành uỷ là 18/144 đồng chí, đạt 12,5%; tham gia đại biểu HĐND là 90/357 đại biểu, đạt 25,21%. Ở cấp xã, cán bộ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ là 690/3.241, đạt 21,29%; tham gia ban thường vụ đảng uỷ là 130/1.061 đồng chí, đạt 12,8%; tham gia đại biểu HĐND là 1.399/5.566 đại biểu, chiếm 25,13%... Cùng với đó, số lượng cán bộ nữ giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp cũng ngày càng tăng. Từ năm 2020 đến tháng 8-2024, có 17 cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, số cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các cơ quan cấp tỉnh là 34/120 đồng chí, đạt 28,3%. Đối với cấp huyện, số cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của huyện và các cơ quan cấp huyện là 96/278, đạt 34,5%. Số cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của xã và các cơ quan cấp xã có 703/3.721 đồng chí, đạt 19%.
Tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, đề án và văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương về công tác phụ nữ. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ chuyên môn, thực tiễn công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Để nâng cao nhận thức về trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng đã được các cấp, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh truyền thông qua việc xây dựng các tin, bài viết, phóng sự tuyên truyền trên báo, đài, tạp chí của Trung ương, của tỉnh trang thông tin điện tử, báo điện tử; treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền trên các trục đường chính, khu tập trung đông dân cư nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Tháng hành động vì bình đẳng giới; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho các cán bộ, công chức nữ các ngành, các cấp.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Lào Cai, để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, thời gian qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ hàng năm diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo đúng quy định; đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ trong quy hoạch (phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch đạt 25%). Qua đó, công tác quy hoạch cán bộ nữ có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều cán bộ nữ được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND, quy hoạch lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các chức danh chủ chốt. Kết quả, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã có 141 nữ cán bộ được quy hoạch cán bộ các chức danh lãnh đạo, quản lý, đạt 25,4%; quy hoạch cán bộ ban thường vụ các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đạt 22,3%. Nhiệm kỳ 2025 – 2030, quy hoạch 135 nữ cán bộ các chức danh lãnh đạo, quản lý, đạt 27%; quy hoạch nữ cán bộ ban thường vụ các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đạt 21,8%.
Trên cơ sở các phương án quy hoạch cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy thực hiện tốt việc bố trí sử dụng cán bộ như bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu ứng cử cán bộ nói chung trong đó đặc biệt quan tâm đối với đội ngũ cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của từng đồng chí, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến nay đội ngũ cán bộ nữ các cấp trong tỉnh cơ bản đã có bước trưởng thành về mọi mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được nâng lên, cơ cấu hợp lý hơn, cơ bản ở các cấp, các ngành đã bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ.
Đến tháng 6-2024, toàn tỉnh có 37 cán bộ nữ là lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai quản lý; tổng số nữ cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo (cấp trưởng, cấp phó) chiếm tỉ lệ 19,58%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND các cấp, tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025 đều tăng so với giai đoạn trước. Tỷ lệ nữ tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XV của tỉnh là 2/6 đồng chí, đạt 33,33%; tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 38,18% (tăng 4,25% so với nhiệm kỳ trước), cấp huyện đạt 41,95% (tăng 7,57% so với nhiệm kỳ trước) và cấp xã đạt 37,22% (tăng 5,15% so với nhiệm kỳ trước). Từ năm 2020 đến nay, Lào Cai đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 3.300 cán bộ, trong đó có 30% là cán bộ nữ.
Để tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy, chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tăng cường chỉ đạo và có nhiều giải pháp xây dựng và phát triển cán bộ nữ. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để tạo điều kiện và hỗ trợ đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, năng lực, trình độ chuyên môn, thực tiễn công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ của tỉnh có những chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng. Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm giao giữ các chức vụ quan trọng và qua thực tiễn công tác đã thể hiện được năng lực trong quản lý, điều hành, xây dựng và tập hợp quần chúng; làm nòng cốt trong các phong trào ở đơn vị, địa phương; qua đó, khẳng định và phát huy vai trò, vị trí của cán bộ nữ trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; từng bước thu hẹp dần khoảng cách về giới; đồng thời, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.
Đặc biệt, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 01/ĐA-TU,ngày 12-3-2021 về việc kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, đơn vị, địa phương gắn với nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2021-2025. Qua đó tạo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quan tâm lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ nữ, tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý cũng như diện các sở, ngành, địa phương quản lý; chuẩn bị nguồn nhân sự cán bộ nữ cho đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đối với cấp tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 3/49 cán bộ nữ (chiếm 6,12%), Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 1/15 cán bộ nữ (chiếm 6,7%). Trong nhiệm kỳ đã bổ sung 1 cán bộ nữ vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đến nay có 4/48 cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (chiếm tỷ lệ 8,3%). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình có 6 đại biểu, trong đó có 2 đại biểu nữ, đạt tỷ lệ 33,33%.
Ở cấp huyện, thị xã, thành phố, hiện nay, có 47/318 cán bộ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ huyện, đạt tỷ lệ 14,8% (trong đó, 4 đơn vị có tỷ lệ trên 15%); có 13/91 ủy viên ban thường vụ, đạt tỷ lệ 14,3%, có 1 đồng chí giữ chức phó bí thư thường trực huyện ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Ở cấp cơ sở, hiện có 479/2.180 nữ là ủy viên ban chấp hành, đạt tỷ lệ 21,97%, có 18 đồng chí giữ chức phó bí thư đảng ủy và 12 đồng chí giữ chức bí thư đảng ủy.
Tại Trà Vinh, nhằm phát huy hơn nữa vị trí, vai trò, khả năng đóng góp của cán bộ nữ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, Tỉnh uỷ Trà Vinh đã ban hành Đề án số 05-ĐA/TU ngày 17-11-2022 về tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, trên địa bàn tỉnh với quan điểm xem việc xây dựng, bố trí cán bộ nữ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý là một yêu cầu khách quan, bảo đảm đội ngũ cán bộ có tính kế thừa, liên tục và phát triển; xây dựng, bố trí cán bộ nữ là trách nhiệm của các cấp ủy và của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy, người đứng đầu đóng vai trò quan trọng; trong xây dựng, bố trí cán bộ nữ cần dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và tính chủ động trong công tác cán bộ nhằm tạo bước đột phá mới về công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Từ những nỗ lực của tỉnh, đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở là 11.402 đồng chí, chiếm tỷ lệ 53,5% đội ngũ cán bộ, công chức toàn tỉnh. Cán bộ nữ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý là 1.382 đồng chí, chiếm tỷ lệ 12,12%. Trong đó, cấp tỉnh có 246 đồng chí, chiếm tỷ lệ 17,80%; cấp huyện có 441 đồng chí, chiếm tỷ lệ 31,91%; cấp xã có 695 đồng chí, chiếm tỷ lệ 50,28%.
Tiếp tục nhân rộng cách làm hay, mô hình mới
Một là, thống nhất nhận thức công tác cán bộ nữ không phải chỉ để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ. Tiếp tục đổi mới nhận thức về phụ nữ với tư cách là một lực lượng quan trọng trong sự phát triển của xã hội, phải được bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm, tạo mọi điều kiện để cán bộ nữ cống hiến, có điều kiện phát huy năng lực và khẳng định vị thế của mình.
Hai là, để có nhiều cách làm hay, mô hình mới trong xây dựng đội ngũ cán bộ nữ và tăng cường sự tham chính của phụ nữ, cần có những bước đột phá, đòi hỏi sự vào cuộc, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Đề ra mục tiêu và có giải pháp cụ thể.
Ba là, xây dựng, triển khai và thực hiện hiệu quả cơ chế phát hiện, lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ có bản lĩnh, năng lực công tác phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị theo đúng quy định; thực hiện đồng bộ và nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ.
Bốn là, thường xuyên sơ kết, tổng kết các mô hình, biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt; phê bình, nhắc nhở nơi làm chưa tốt. Những mô hình thực sự hiệu quả cần có đánh giá một cách kỹ càng cả về lý luận và thực tiễn để nhân rộng.
Bình Duyên (Theo xaydungdang.org.vn)