Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, gắn với các giá trị văn hóa, cảnh quan của địa phương. Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân từ hoạt động du lịch mang lại.
Sân Golf Thanh Lanh, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển. Ảnh: Đức Chung
Năm 2011, Đồng Quế là 1 trong 20 xã trên toàn tỉnh được chọn làm điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Với tư duy đổi mới và cách làm phù hợp, cùng tinh thần vượt khó, chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân, Đồng Quế đã huy động được hơn 112 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 20 tỷ đồng, tự nguyện hiến 27.000 m2 đất.
Sau 3 năm thực hiện, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng xã NTM, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2013. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, kinh tế nông nghiệp có sự chuyển biến rõ rệt, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, quốc phòng luôn được củng cố và phát triển.
Diện mạo đổi thay của một vùng quê là hành trang để Đảng bộ và nhân dân xã Đồng Quế nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp
Song song với việc xây dựng NTM, phát huy lợi thế có gần 70% diện tích tự nhiên là đồi núi, cảnh quan đẹp, có điểm nhấn là khu du lịch sinh thái Thác Bay gắn liền với di tích lịch sử hang Đề Thám đánh thực dân Pháp năm xưa trên dãy núi Sáng hùng vĩ, những năm gần đây, Đồng Quế tập trung phát triển các loại hình du lịch, trọng tâm là du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, Đồng Quế đã được quy hoạch và triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ khu vực xung quanh hồ Bò Lạc; Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức... Đây là một trong những tiền đề quan trọng để đưa du lịch địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) có 12 di tích đình, chùa, trong đó có 2 ngôi đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Được thiên nhiên ưu đãi, trên địa bàn xã còn có nhiều danh thắng như quần thể hồ Thanh Lanh, thác Ba Ao đến nay vẫn còn nhiều nét hoang sơ, thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách.
Cùng với nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM, xã luôn xác định phát triển du lịch, dịch vụ là đòn bẩy vững chắc cho phát triển kinh tế, đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Hiện nay, các thôn Trung Mầu, Đồng Giang và Thanh Lanh được quy hoạch xây dựng Làng văn hóa du lịch dân tộc Sán Dìu với tổng diện tích 45 ha.
Để kế hoạch phát triển du lịch homestay và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, xã Trung Mỹ khuyến khích người dân đăng ký, đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú. Trước mắt có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho 25 hộ dân phát triển mô hình homestay để phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
Làng văn hóa du lịch dân tộc Sán Dìu sẽ là khu du lịch tổng hợp gắn kết du lịch sinh thái - văn hóa với các loại hình trải nghiệm. Trong đó, khu trung tâm bảo tồn văn hóa người dân tộc Sán Dìu là điểm nhấn. Các công trình và cảnh quan được bố trí hài hòa với thiên nhiên.
Hiện, xã Trung Mỹ đang tập trung huy động các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển du lịch. Theo đó, tích cực vận động người dân tham gia vào lĩnh vực du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhiều địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế ở địa phương để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.
Hiện đã xuất hiện một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn như hình thức homestay ở Tam Đảo, farmstay ở Phúc Yên và một số nông trại có kết hợp dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp cho du khách ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, bức tranh du lịch nông thôn của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 46 về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, tỉnh xây dựng mô hình du dịch nông thôn theo hướng du lịch xanh bền vững; hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế trang trại để hình thành mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục - du lịch học đường, du lịch sinh thái.
Xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết giữa các điểm du lịch nông thôn nhằm bổ sung tính đa dạng cho các loại hình sản phẩm du lịch.
Phát triển làng nghề và nhóm sản phẩm lưu niệm, dần đưa các làng nghề trở thành trung tâm bán hàng lưu niệm thủ công truyền thống đặc trưng hấp dẫn khách du lịch, kết hợp cung ứng trải nghiệm thực tế cho du khách thông qua tham gia các hoạt động sản xuất trực tiếp; lồng ghép quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nông thôn trong các chương trình xúc tiến quảng bá về du lịch Vĩnh Phúc trên các kênh truyền thông, các ấn phẩm du lịch.
Cùng với đó, đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền về du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng trên nền tảng công nghệ số qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội…; đẩy mạnh gắn kết, lồng ghép với công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.
Kỳ Nam