Những năm gần đây, huyện Vĩnh Tường quan tâm đầu tư phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có 2 KCN, 8 CCN với 9 làng nghề truyền thống, trong đó, một số KCN, CCN được lấp đầy, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Công ty TNHH Thành Tiến (CCN Đồng Sóc) chuyên sản xuất cửa thép chống cháy, gia công kim loại tấm, thang máy đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập từ 6 -10 triệu đồng/người/tháng. Ảnh địa phương cung cấp
Phát huy lợi thế tiếp giáp với thị xã Sơn Tây (Hà Nội), thành phố Việt Trì (Phú Thọ) - là địa phương có cả 3 loại hình giao thông gồm đường bộ, đường sông và đường sắt kết nối các tuyến giao thông của quốc gia và tỉnh, những năm gần đây, huyện Vĩnh Tường đã quan tâm quy hoạch các vùng tập trung sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là quy hoạch xây dựng các KCN, CCN phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).
Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ bồi thường (BT), giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông đến ngoài hàng rào các KCN, CCN.
Đặc biệt, lãnh đạo huyện luôn lắng nghe, tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh kịp thời, hiệu quả.
Với các giải pháp tích cực, đồng bộ, linh hoạt, đến nay, 28/28 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát triển KCN, CCN với tổng diện tích gần 550 ha.
Trong đó, 2 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư gồm KCN Chấn Hưng 130 ha, KCN Đồng Sóc hơn 206,5 ha; 8 CCN với tổng diện tích hơn 209,1ha, trong đó 5 CCN đã được thành lập gồm CCN Đồng Sóc 75ha; CCN Thổ Tang - Lũng Hòa 35,98ha; CCN Lý Nhân 10ha; CCN Vĩnh Sơn 15,32ha; CCN mộc An Tường 10ha.
Hiện còn 3 CCN đang triển khai công tác BT, GPMB, đầu tư xây dựng hạ tầng gồm CCN Thổ Tang - Lũng Hòa, CCN Vĩnh Sơn, CCN Lý Nhân.
Việc phát triển các KCN, CCN đã tạo mặt bằng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong huyện, các cơ sở sản xuất CN - TTCN, hộ sản xuất, kinh doanh nghề truyền thống có mặt bằng tập kết hàng hóa, tổ chức sản xuất. Tại các KCN, CCN này đã có nhiều doanh nghiệp được cấp giấy phép đầu tư và đi vào hoạt động, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách huyện.
Đến nay, đã có hơn 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động tại các KCN, CCN với nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Nổi bật là CCN Tân Tiến đã có 25 doanh nghiệp thứ cấp được giao đất đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng diện tích giao đạt 100%; CCN Đồng Sóc đã có 15 doanh nghiệp thuê đất hoạt động sản xuất, kinh doanh với diện tích đất thuê đạt gần 70% mặt bằng quy hoạch.
Từ năm 2021 đến nay, CCN Đồng Sóc đã thu hút 5 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử với tổng vốn đầu tư hơn 324 triệu USD; 3 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng.
Đối với 5 dự án FDI, có 3 dự án đã, đang triển khai gồm Nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử của Công ty TNHH Partron Vina với tổng vốn đầu tư 33,5 triệu USD đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 10/2022, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động…
Các KCN, CCN trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã giải quyết việc làm cho gần 10 nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Tường Nguyễn Văn Tân cho biết: Việc phát triển các KCN, CCN trên địa bàn huyện góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tích cực, tăng trưởng đều và ở mức khá.
Tăng trưởng giá trị sản xuất CN - TTCN bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt hơn 10%. 9 tháng năm 2024, tổng giá trị sản xuất toàn huyện thực hiện là 520,7 nghìn tỷ đồng, đạt 107,98% kế hoạch, bằng 174,1% so với cùng kỳ. Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 55% cơ cấu kinh tế của huyện.
Năm 2023, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 57,5% cơ cấu kinh tế của huyện. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 10%/năm; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng từ 13 -14%; dịch vụ - thương mại tăng từ 8 - 9%; thu nhập bình quân đạt 75 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm mới cho 3.000 - 3.500 lao động/năm.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện Vĩnh Tường tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch chi tiết KCN, CCN để bảo đảm tính bền vững, lâu dài, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện và tỉnh.
Tập trung thực hiện BT, GPMB, thu hút đầu tư tại các KCN, CCN đã được phê duyệt. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính quyền điện tử.
Tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dệt may, chế biến nông - lâm - thủy sản, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như mộc, nuôi rắn... Tăng cường công tác đào tạo nghề thủ công; đồng thời định hướng hỗ trợ các làng nghề đăng ký và bảo vệ thương hiệu… thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Xuân Hùng