Suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều “di sản” quý báu, trong đó có cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nội dung cuốn sách thể hiện tư duy, tầm nhìn, những định hướng quan trọng của Đảng và đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên con đường vận động và phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Cuốn sách có sức lay động lớn, truyền cảm hứng và niềm tin, nhân lên quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc được gìn giữ, phát huy trong đời sống hiện đại. (Trong ảnh: Lễ hội Kéo Song, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên). Ảnh: Trà Hương
Nhận thức rõ vai trò của văn hóa và con người trong sự phát triển của xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.
Đồng chí đã có nhiều bài viết, bài phát biểu thể hiện tư duy sâu sắc, toàn diện, sự am hiểu tường tận về văn hóa, vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”.
Những hình ảnh, bài viết, tư liệu quý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam được tổng hợp trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc; Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững; Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống.
Cuốn sách là tài liệu nghiên cứu quý giá, hệ thống hóa, khái quát hóa các chủ trương, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, phương thức triển khai đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cuốn sách đã phân tích, làm rõ quá trình vận động, phát triển và những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam; đúc rút những vấn đề có tính quy luật khách quan, có giá trị định hướng sâu sắc về xây dựng và phát triển nền văn hóa trong thời kỳ mới; trọng tâm là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, coi đây là việc làm cần thiết nhằm củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, xây dựng “sức mạnh mềm”, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước.
Với những giá trị đó, cuốn sách là công trình có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn, là “cẩm nang” về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Vĩnh Phúc đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả những chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn công tác xây dựng và phát triển văn hóa.
Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế - chính trị, xã hội. Các tiêu chí xây dựng và phát triển văn hóa được lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu…
Đặc biệt, Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đã xác định mục tiêu trọng tâm trong xây dựng văn hóa là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, mang phẩm chất con người Việt Nam, đồng thời phát huy những đặc điểm nổi trội của con người Vĩnh Phúc “Tiên phong - sáng tạo - khát vọng - đổi mới”, từng bước xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Vĩnh Phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Các di sản văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ, phát huy; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, hành vi trái với thuần phong mỹ tục được loại bỏ.
Người dân tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tích cực tham gia các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”…
Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, luyện tập thể dục thể thao của quần chúng nhân dân.
Hoạt động sáng tạo văn hóa - nghệ thuật phản ánh sinh động thực tiễn cuộc sống, hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Tỉnh đã tổ chức, tham gia nhiều hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, con người Vĩnh Phúc đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, tạo cơ hội để Vĩnh Phúc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bồi đắp và xây dựng nền văn hóa dân tộc.
Những thành quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa đã khẳng định những định hướng đúng đắn của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Vĩnh Phúc tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển nền văn hóa dân tộc nhằm phát huy giá trị của văn hóa và sức mạnh của con người, khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Bạch Nga