Vườn quốc gia Tam Đảo có tổng diện tích hơn 32.000 ha. Kết quả điều tra, thống kê cho thấy, Vườn quốc gia Tam Đảo có hơn 5.500ha diện tích rừng dễ xảy ra cháy. Nhằm kịp thời xử lý và hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra, hằng năm, Vườn quốc gia Tam Đảo đều xây dựng và thực hiện tốt các phương án phòng, chống cháy rừng.
Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trên địa giới hành chính 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Riêng khu vực Vĩnh Phúc có 15.000 ha.
Theo đánh giá, địa hình Vườn quốc gia Tam Đảo thuộc loại vùng đồi, núi thấp và núi trung bình, mức độ chia cắt phức tạp, tạo nên sự đa dạng về hệ động vật, thực vật và là điều kiện bảo đảm cho sự tồn tại của các cánh rừng đến ngày nay ít bị phá hủy.
Tuy nhiên, địa hình hiểm trở cũng gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) khi có cháy rừng xảy ra.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo thường xuyên kiểm tra, tuần rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm và cháy rừng.
Nguy cơ gây cháy rừng là do về mùa khô, lớp thực bì chết, kết hợp với cành khô, lá rụng tích tụ qua nhiều năm tạo thành lớp vật liệu dễ cháy lớn; có nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng. Bên cạnh đó, nhiệt độ, độ ẩm... là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến các vụ cháy rừng.
Địa hình Vườn quốc gia Tam Đảo phức tạp gây nhiều khó khăn cho công tác tuần rừng.
Các hoạt động sản xuất như chăn nuôi, chăn thả gia súc của người dân vùng đệm vẫn còn phụ thuộc vào việc khai thác thức ăn chăn nuôi, sử dụng lâm sản phụ lấy từ rừng Tam Đảo. Hay việc canh tác nương rẫy của người dân vùng đệm tại những nơi tiếp giáp với Vườn quốc gia Tam Đảo, các hành vi dùng lửa bất cẩn như đốt nương rẫy, đốt ong, đốt lửa sưởi ấm trong rừng, đốt trảng cỏ lấy cỏ non cho trâu ăn... cũng là những nguyên nhân gây cháy rừng hằng năm ở đây.
Thực tế, trong những năm qua, Vườn quốc gia Tam Đảo đã xảy ra một số vụ cháy rừng tại các xã, thị trấn như Trung Mỹ, Minh Quang, Hồ Sơn, Đạo Trù, Đại Đình (Vĩnh Phúc); Quân Chu, Ký Phú, La Bằng, Hoàng Nông (Thái Nguyên)... Diện tích cháy có những khu vực lên đến hơn 7ha, nhưng chủ yếu là rừng trồng, thực bì, cây bụi, cây gỗ, rừng giang, rừng thông...
Xác định công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vào tháng 10 hằng năm, Vườn quốc gia Tam Đảo đều triển khai xây dựng hệ thống đường băng cản lửa bao quanh các lô rừng trồng, các lô rừng dễ xảy ra cháy để hạn chế lửa cháy lan giữa các lô rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Trước đó, ngay cuối mùa mưa, Vườn quốc gia Tam Đảo đã chủ động xây dựng phương án PCCCR; kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR và các tổ xung kích chữa cháy rừng; xây dựng quy chế làm việc của Ban chỉ huy, quy định trách nhiệm tới từng thành viên; chủ động nắm tình hình thực tế từng địa bàn được phân công phụ trách để có sự chỉ đạo sát thực tế, tổ chức ứng trực nghiêm túc và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Các khu vực đều được xây dựng bản đồ PCCCR.
Theo cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo Nguyễn Đức Toàn: “Rừng Tam Đảo do Vườn quốc gia Tam Đảo quản lý được xác định là 1 trong 6 trọng điểm cháy rừng của cả nước, diện tích dễ xảy ra cháy lớn tập trung chủ yếu ở sườn phía Tây - Nam. Nơi đây địa hình chia cắt phức tạp, có độ dốc hơn 350. Với những yếu tố tự nhiên không thuận lợi, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCCR, đơn vị đã thực hiện tốt biện pháp lâm sinh như xây dựng đường băng cản lửa tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng”.
Các Trạm Kiểm lâm đã tiến hành khảo sát ngoài thực địa và xác định các tuyến đường, lối mòn thuận lợi nhất dẫn tới các trọng điểm cháy. Những tuyến đường được đánh dấu trên bản đồ và trên thực địa để dễ nhận biết khi tổ chức chữa cháy.
Đồng thời cử người hướng dẫn lực lượng chữa cháy tiếp cận với đám cháy nhanh chóng, thuận lợi. Hạt Kiểm lâm phối hợp với các phòng chức năng xây dựng bản đồ PCCCR của Vườn, các Trạm Kiểm lâm chủ động xây dựng bản đồ PCCCR của trạm.
Các đơn vị tổ chức trực cháy và trực tuần tra canh gác lửa rừng tại trụ sở Vườn quốc gia và các Trạm Kiểm lâm. Theo đó, lực lượng kiểm lâm tại các vị trí luôn đảm bảo đủ quân số từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần; ngoài giờ hành chính và những ngày nghỉ, lực lượng tham gia trực cháy tại các trạm là 50%. Còn vào những ngày cao điểm (từ cấp III trở lên) huy động lực lượng thường trực 100% quân số.
Phương tiện và thiết bị phục vụ PCCCR tại đơn vị được trang bị cơ bản đầy đủ gồm ô tô, mô tô, cưa xăng, máy thổi gió đeo vai, máy cắt cành; máy cắt thực bì, bình nhựa chữa cháy, máy bơm chữa cháy, máy định vị GPS và các loại dụng cụ thô sơ khác….
Tùy từng điều kiện địa hình, loại vật liệu cháy và điều kiện thời tiết để các đơn vị có phương án sử dụng những loại phương tiện, công cụ chữa cháy rừng linh hoạt, hiệu quả… Nhờ triển khai đồng bộ phương án PCCCR nên những năm trở lại đây, rừng tự nhiên ở Vườn quốc gia Tam Đảo không xảy ra cháy và thiệt hại về tài nguyên rừng là không đáng kể.
Bài, ảnh: Hà Trần