Thời gian qua, các kênh bán lẻ hiện đại phát triển và mở rộng về khu vực nông thôn không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm mà còn làm thay đổi thói quen, hình thành tư duy thương mại hiện đại của người dân.
Hệ thống cửa hàng tiện lợi trên địa bàn huyện Tam Đảo ngày một phát triển, giúp người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tiện ích mua sắm hiện đại. Ảnh: Đức Chung
Trên địa bàn tỉnh hiện có 86 chợ, 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 66 cửa hàng hoạt động theo chuỗi của hệ thống Winmart+, Tata Mart cùng hàng trăm cửa hàng tiện ích tại các huyện, thành phố, đảm bảo tốt nhu cầu tiêu dùng của đại đa số người dân.
Giờ đây, đời sống người dân khu vực nông thôn đã đủ đầy khiến nhu cầu mua sắm ngày càng nâng cao. Do vậy, khu vực nông thôn là thị trường giàu tiềm năng và có thể phát triển chiến lược kinh doanh lâu dài.
Bà Đỗ Ngọc Châm, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Tuệ Châu, xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) cho biết: Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, hạ tầng giao thông của địa phương được đầu tư, xây dựng đồng bộ, thu nhập, đời sống của người dân ngày một nâng cao giúp hoạt động kinh doanh của các hộ trên địa bàn ngày càng phát triển.
Nhận thấy tiềm năng phát triển dịch vụ, thương mại ở xã Sơn Lôi những năm gần đây rất lớn, công ty quyết định đầu tư siêu thị mini với đa dạng các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân, góp phần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận môi trường mua sắm văn minh, hiện đại, tăng thu nhập cho doanh nghiệp.
Ngoài cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, siêu thị còn tích hợp hình thức thanh toán thuận tiện cho khách hàng. Thường xuyên bố trí nhân viên tư vấn, giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng.
Sau một năm hoạt động, siêu thị tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Công ty đang lên phương án đầu tư mở thêm một số siêu thị mini ở các địa phương khác trên địa bàn huyện Bình Xuyên.
Mặc dù không có nguồn lực mạnh như các doanh nghiệp nhưng với tư duy nhạy bén trong kinh doanh, nhiều người dân khu vực nông thôn cũng mạnh dạn đầu tư các cửa hàng tiện lợi để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Chị Lưu Thị Hoàn, chủ cửa hàng kinh doanh ở thôn Đồng Giang, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) cho biết: Nhận thấy nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng cao, gia đình chị đã vay vốn để mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa và đồ gia dụng.
Nếu như trước kia, cửa hàng của gia đình chỉ phục vụ người dân địa phương, thì nay đã cung cấp hàng hóa cho nhiều du khách và người tiêu dùng quanh vùng. Với đà kinh doanh thuận lợi như hiện nay, sắp tới gia đình sẽ nâng cấp cửa hàng lên siêu thị mini để có thêm thu nhập và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Thực tế hiện nay, thị trường bán lẻ ở nông thôn đã sôi động hơn xưa rất nhiều bởi những chuỗi cửa hàng, siêu thị đang “kéo quân” về khu vực này.
Những ưu điểm nổi trội có thể kể đến như hàng hóa phong phú, đa dạng, nguồn gốc rõ ràng, thời gian mở cửa linh hoạt hơn chợ truyền thống, người dân có thể mua các loại hàng hóa thiết yếu mà không phải di chuyển nhiều, có thể tiết kiệm thời gian và chi phí phát sinh khác...
Với nhiều chương trình khuyến mãi, phương thức thanh toán thuận tiện, hệ thống bán lẻ hiện đại tại khu vực nông thôn đang dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Điển hình cho sự xâm lấn thị trường bán lẻ ở nông thôn phải kể đến chuỗi siêu thị mini Tata Mart của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Nhật Quỳnh, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên). Đây là công ty xây dựng thành công chuỗi bán lẻ mang thương hiệu của riêng Vĩnh Phúc.
Năm 2018, siêu thị mini Tata Mart đầu tiên đã được mở tại thị trấn Thanh Lãng. Qua quá trình phát triển, đến nay đã có 9 siêu thị trên địa bàn các huyện, thành phố gồm Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, Phúc Yên, Vĩnh Yên và Mê Linh (Hà Nội).
Với phương châm kinh doanh giá cả hợp lý, dịch vụ tận tâm, diện tích rộng rãi và mặt hàng đa dạng, hiện mỗi siêu thị của Tata Mart tạo việc làm cho 4 - 6 nhân viên với mức thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Sự ra đời của hệ thống bán lẻ hiện đại tại khu vực nông thôn đã đem lại lợi ích cho người dân, nguồn thu nhập ổn định cho người kinh doanh là điều không phải bàn cãi.
Tuy nhiên, để khai thác tốt hơn tiềm năng và phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đa dạng của người dân cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn. Bởi đa phần các siêu thị mini, cửa hàng tự chọn ở nông thôn mới đi vào hoạt động, chưa khai thác hết lượng khách hàng, tính kết nối chưa cao, nhất là đối với người dân sinh sống ở xa trung tâm nên chợ truyền thống vẫn được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn.
Vì vậy, để có thể phát triển bền vững ở thị trường đầy tiềm năng này, các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích cũng cần có hướng đi phù hợp với thói quen mua sắm của người dân ở từng địa phương.
Cùng với đó, xây dựng hướng tiếp cận phù hợp đi đôi với nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng phục vụ và sự tiện ích, giúp người tiêu dùng ở vùng nông thôn mua bán hàng hóa thuận tiện, dễ dàng.
Thành An