Được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo người dân. Nhiều ý kiến khẳng định sửa đổi Luật Đầu tư công sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế thông qua việc tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư công…
Tháo gỡ điểm nghẽn
Luật Đầu tư công năm 2019 quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm quản lý đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự chủ động, linh hoạt và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công.
Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.
Luật Đầu tư công năm 2019 đã tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, một số quy định, cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần nghiên cứu để thể chế hóa tại luật.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng hồ sơ liên quan, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có 5 nhóm chính sách sửa đổi chính gồm thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá: Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”…
Nâng cao hiệu quả, khơi thông nguồn lực
Có thể khẳng định việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện với tiến độ khẩn trương, yêu cầu về chất lượng cao nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Đề xuất, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhằm góp ý vào dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đa số các ý kiến đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết điều chỉnh, sửa đổi Luật Đầu tư công để tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua, đồng thời nhất trí với 5 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi mà cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra.
Nhiều ý kiến đánh giá, dự thảo luật có nhiều điểm đột phá, cụ thể là những nội dung liên quan đến tăng mức vốn cho các nhóm dự án A, B, C; tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA như đối với dự án sử dụng vốn trong nước…
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) với quy định cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án được kỳ vọng sẽ gỡ được “nút thắt” điển hình trong Luật Đầu tư công năm 2019.
Nhận định giải phóng mặt bằng là “nút thắt” điển hình được nhận diện nhiều năm nhưng rất khó gỡ ở hầu hết các dự án đầu tư công tại các tỉnh, thành trong cả nước bởi nhiều lý do, trong đó có các vướng mắc liên quan đến quy định trong Luật Đầu tư công năm 2019, đồng chí Trần Thị Thanh Tâm, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh cho rằng: Việc dự thảo cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án là rất phù hợp, làm cho việc chuẩn bị đầu tư được hoàn chỉnh trước khi bố trí vốn.
“Thực hiện dự án đầu tư công nhanh hay chậm là do công tác giải phóng mặt bằng, không có mặt bằng thì không thể làm được gì. Muốn sớm có mặt bằng thì phải tách riêng để triển khai nhanh”, đại biểu Tâm nhìn nhận.
Quan tâm đến việc phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho rằng: Quy định này cần được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, đặt trong tổng thể các chính sách khác liên quan đến vấn đề trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân. Cần xem xét cơ chế cụ thể, tránh bị lạm dụng, khó kiểm soát dẫn tới tình trạng tham nhũng và xuất hiện cơ chế “xin - cho”.
Có như vậy, với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm và đơn giản hóa quy trình để khai thác tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm về xây dựng kết cấu hạ tầng… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ