Những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, gây tổn thất nặng về người, tài sản; ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống và sản xuất của nhân dân. Nhằm giảm thiểu thiệt hai do thiên tai gây ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã quán triệt nghiêm túc văn bản, chỉ thị của các cấp và thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Phúc Yên và các ngành chức năng tham gia diễn tập phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Trường Khanh
Xã Hồ Sơn (Tam Đảo) là địa bàn có đồi núi, hồ, suối bao quanh. Do địa hình núi cao nên nhiều cung đường có độ dốc lớn với nhiều khúc cua gấp, nguy hiểm...
Tác động của thiên tai, nhất là mưa bão tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt, lở đất đá, tai nạn giao thông nghiêm trọng…, do vậy, cấp ủy, chính quyền xã Hồ Sơn đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các giải pháp.
Trong đó, chú trọng nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Hằng năm, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Ban chỉ huy đã tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp đặc điểm địa hình của địa phương, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã thường xuyên cử các lực lượng tham gia phương án diễn tập của tỉnh, thực tập của huyện trong công tác ứng phó với tình huống thiên tai.
Qua đó giúp các lực lượng nâng cao năng lực hoạt động, sẵn sàng thường trực phối hợp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra trên địa bàn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại…
Vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nước sông Phó Đáy dâng cao, gây ngập lụt tại thôn Hương Đình, xã An Hòa (Tam Dương). Để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, Đảng ủy, UBND xã An Hòa đã bám sát diễn biến tình hình thời tiết, nước trên sông, tập trung điều hành, chỉ đạo, kịp thời tổ chức đưa gần 100 hộ dân thôn Hương Đình (bị ngập nặng), vật nuôi, vật dụng thiết yếu… đến nơi an toàn.
Các lực lượng chi viện lương thực, bảo đảm ổn định cuộc sống người dân. Các sự cố khác cũng được Đảng ủy, UBND xã xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân…
Trong công tác phòng, chống thiên tai, nhiều địa phương đã phát huy được vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, dân quân tự vệ, bí thư chi bộ, trưởng thôn, cán bộ các đoàn thể… tình nguyện thường trực ở những địa điểm nguy hiểm để hướng dẫn người dân và phương tiện giao thông di chuyển an toàn.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở đã bám sát tình hình thực tiễn để đưa ra các biện pháp ứng phó; tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống gần những nơi có nguy cơ ngập úng sâu, sạt lở cao tạm thời sơ tán để bảo đảm an toàn và được các hộ dân đồng tình ủng hộ.
Mặt trận Tổ quốc các cấp, tổ chức đoàn thể trong tỉnh phát huy vai trò tập hợp lực lượng; xung kích tại cơ sở, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Người đứng đầu các địa phương đã linh hoạt lãnh đạo, chỉ huy, điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm thông tin chỉ huy, hiệp đồng. Cấp ủy, chính quyền ưu tiên bố trí nguồn chi ngân sách, kết hợp xã hội hóa để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…
Kim Hiền