Cùng với việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh tích cực xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Người dân thôn Đồng Cà, xã Yên Dương (Tam Đảo) chăm sóc đường hoa. Ảnh: Dương Chung
Thôn Đồng Cà, xã Yên Dương (Tam Đảo) có 182 hộ với gần 800 nhân khẩu, trong đó có hơn 60% là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Trước đây, việc tang của đồng bào có nhiều thủ tục rườm rà, kéo dài; đám cưới được tổ chức linh đình với những thủ tục thách cưới gây áp lực kinh tế cho các gia đình…
Trước thực tế đó, các ban, ngành, đoàn thể, người có uy tín trong thôn đã tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Sán Dìu xóa dần các hủ tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Đến nay, các đám cưới đã được tổ chức theo hướng tiết kiệm, trang trọng, phù hợp với phong tục, tập quán địa phương và hoàn cảnh của từng gia đình. Đám tang được người dân tuân thủ thực hiện nghiêm nếp sống văn minh, không mời khách đến viếng ăn uống, tổ chức an táng cho người mất trong ngày hoặc không quá 48 giờ.
Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng thôn Đồng Cà cho biết: “Cùng với việc loại bỏ những hủ tục lạc hậu, đồng bào dân tộc Sán Dìu trong thôn còn tích cực bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người dân vẫn duy trì mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, Tết; làn điệu Soọng cô được bảo tồn và truyền dạy cho con cháu.
Đồng bào dân tộc Sán Dìu tích cực xây dựng đời sống văn hóa, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đóng góp xây dựng được 3 tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp với chiều dài 1.000 m; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn giảm đáng kể; hơn 98% hộ trong thôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa”.
Quang Yên (Sông Lô) là xã miền núi có nhiều đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các ban, ngành, đoàn thể, người có uy tín trong thôn, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới trên tinh thần tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa, văn minh.
Vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo, tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động do các cấp, ngành phát động. Đến nay, toàn xã có 11/11 thôn dân cư đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa; có hơn 98% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,18%.
Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được quan tâm; các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được khôi phục, bảo tồn, phát huy.
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân tộc Sán Dìu, xã Yên Dương (Tam Đảo) ngày càng được nâng cao. Ảnh: Dương Chung
Trên địa bàn tỉnh hiện có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS có gần 60 nghìn người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS sống tập trung chủ yếu ở chân dãy núi Tam Đảo và núi Sáng thuộc 5 huyện, thành phố Phúc Yên, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên.
Người DTTS chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Tày, Mường, Nùng... Mỗi DTTS có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống...
Hiện nay, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao vùng DTTS và miền núi được các cấp, ngành quan tâm đầu tư. Phong trào hoạt động thể dục - thể thao quần chúng được đẩy mạnh, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được thực hiện.
Đến nay, 100% xã vùng DTTS và miền núi có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa; 100% số thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa). Công tác gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm, trong đó nhiều lễ hội đặc sắc như Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Cao Lan; hát Sọong cô của dân tộc Sán Dìu; Lễ Cấp sắc của người Dao, Sán Dìu tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết giữa các dân tộc. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai thực hiện hiệu quả.
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng thôn văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tiêu chí xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới.
Khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng về phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, tôn giáo, lịch sử cách mạng, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào DTTS trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Diệu Linh