Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 25/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho biết dự thảo luật có 79 điều; sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 5 điều; bổ sung 1 điều. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng, thực hiện nghiêm túc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Đồng thời kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng hiện hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về công chứng; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động công chứng phù hợp với tính chất là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện, góp phần bảo đảm sự an toàn trong các giao dịch dân sự, kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bền vững, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện.
Ngoài ra, các đại biểu tham gia vào một số nội dung cụ thể như quy định các loại giao dịch phải công chứng; bảo đảm sự bình đẳng trong hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng; mô hình tổ chức của văn phòng công chứng; xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên…
Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần làm rõ trong dự thảo về nội dung hành nghề công chứng liên quan đến công chứng viên bị miễn nhiệm do không hành nghề liên tục từ 12 tháng trở lên để tránh tình trạng người có thẻ công chứng viên mỗi năm chỉ thực hiện một số công việc công chứng hoặc chứng thực để đối phó với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nghiên cứu kỹ quy định về thu hồi quyết định cho phép thành lập văn phòng công chứng khi không hoạt động liên tục từ 3 tháng trở lên, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động theo quy định của luật để thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước khi tiến hành đánh giá tiêu chí này.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng đề nghị bổ sung, làm rõ thêm điều kiện về quyền rút vốn hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho thành viên hợp danh khác là công chứng viên đối với các văn phòng công chứng có từ 1 - 2 thành viên đối với các trường hợp bất khả kháng khi có thành viên thực sự gặp khó khăn hoặc chuyển nơi ở, đi nước ngoài không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ làm việc ở văn phòng công chứng.
Thiệu Vũ