Xác định phòng, chống cháy rừng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, huyện Lập Thạch luôn chú trọng và thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất các vụ cháy cũng như thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch
Huyện Lập Thạch hiện có trên 4.500 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó rừng phòng hộ chiếm hơn 430ha, còn lại là rừng sản xuất.
Theo thống kê, tính đến nay toàn huyện Lập Thạch có trên 250 ha rừng trồng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra với các loài cây keo, bạch đàn… làm gia tăng nguồn vật liệu cháy.
Thời tiết chuẩn bị chuyển sang mùa hanh khô, độ ẩm không khí trung bình xuống thấp, nhiệt độ tăng cao, khô hạn, nắng nóng có xu hướng kéo dài làm gia tăng nguy cơ cháy rừng cao ở hầu hết các xã, thị trấn có rừng trên địa bàn huyện. Trước thực trạng đó, huyện Lập Thạch đã xây dựng kế hoạch nhằm chủ động phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô 2024-2025.
Theo đó, UBND huyện đề nghị các địa phương, cơ quan trên địa bàn huyện không ngừng nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng từ công tác chỉ đạo, chỉ huy, trình độ chuyên môn; tính kịp thời; nhận thức của chủ rừng, người dân và chính quyền các xã, thị trấn đến công trình phòng cháy, trang thiết bị, công cụ chữa cháy được đầu tư và bố trí hợp lý.
Tăng cường sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương, giữa lực lượng chữa cháy rừng các cấp, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, môi trường trên địa bàn huyện. Giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng 25% theo chỉ tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Để thực hiện những mục tiêu quan trọng đó, UBND huyện yêu cầu các phòng, cơ quan, đơn vị, các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương cấp xã, thị trấn tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Phối hợp chặt chẽ, thống nhất để thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Xác định phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong các tháng mùa khô; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, kịp thời hỗ trợ địa phương xử lý các tình huống cháy rừng vượt tầm kiểm soát nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sức khỏe con người, tài sản, tài nguyên rừng và môi trường sinh thái.
Đảm bảo các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Là một trong những địa phương nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng trên địa bàn huyện Lập Thạch, những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được xã Xuân Hòa đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong suốt thời kỳ cao điểm về cháy rừng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa chia sẻ: Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô, địa phương chủ động phối hợp với các cấp, ngành, chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Triển khai nhiều phương án thiết thực, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra; xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ theo phương châm “4 tại chỗ” nếu có cháy rừng xảy ra.
Không chỉ riêng xã Xuân Hòa, thực hiện kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của huyện Lập Thạch, các địa phương trên địa bàn đều chủ động thực hiện tốt phương châm “phòng cháy” là chính, “chữa cháy” kịp thời, hiệu quả.
Chỉ đạo các chủ rừng chủ động vệ sinh rừng, thu dọn, tiêu hủy vật liệu cháy trong rừng, tích cực tuần tra, kiểm tra rừng, duy trì nghiêm chế độ trực phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo thời gian theo cấp dự báo cháy rừng quy định.
Sớm phát hiện điểm cháy, dập tắt ngay khi có cháy rừng xảy ra và cử lực lượng canh gác tại chỗ để xử lý khi có cháy lại. Không để tình trạng rừng bị cháy nhưng không kịp thời phát hiện, báo cáo theo quy định…
Đến nay, bên cạnh việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống do cháy rừng gây ra, huyện Lập Thạch tiếp tục làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý chặt chẽ các nguyên nhân cháy rừng.
Tổ chức huấn luyện, tập huấn cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để làm tốt công tác dự tính, dự báo cấp cháy rừng; duy trì chế độ tuần tra, canh gác lửa rừng... qua đó hạn chế thấp nhất xảy ra cháy rừng trong mùa hanh khô năm nay.
Tuy nhiên, để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thực sự đạt hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng thì quan trọng nhất vẫn là ý thức bảo vệ rừng và trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy của chủ rừng cũng như người dân sống ở khu vực ven rừng.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ