Những năm gần đây, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển, đa dạng sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của du khách. Đồng thời góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh địa phương.
Các sản phẩm trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo Tam Đảo tại các gian hàng sản phẩm OCOP khu du lịch Tam Đảo thu hút nhiều du khách tới tham quan và lựa chọn. Ảnh: Kim Ly
Khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người, Vĩnh Phúc đầu tư phát triển hạ tầng, đa dạng các loại hình du lịch để thu hút du khách. Lượng khách đến Vĩnh Phúc tăng dần qua các năm. 9 tháng năm 2024, Vĩnh Phúc đón hơn 8,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 65 nghìn lượt, khách nội địa ước đạt 8,6 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 3.200 tỷ đồng.
Từ số liệu trên cho thấy, mặc dù lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng cao, song doanh thu từ du lịch còn thấp, nguyên nhân là do mức chi tiêu bình quân của du khách hiện nay vẫn dừng lại ở con số khiêm tốn, chỉ khoảng 400 - 500 nghìn đồng/người/ngày.
Để kích cầu du khách chi tiêu, một trong những giải pháp được tính đến là xây dựng, phát triển các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch chất lượng cao, mang đậm nét văn hóa đặc trưng vùng miền để du khách mua sử dụng hoặc làm quà biếu tặng.
Những năm gần đây, ngành VH-TT&DL tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nghiên cứu, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch từ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh gắn với phát triển du lịch; khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống; đưa một số làng nghề tiêu biểu vào các tour, tuyến du lịch.
Năm 2022, UBND tỉnh đã công bố danh sách mẫu sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch. Trong đó, các mẫu sản phẩm lưu niệm du lịch gồm các mô hình tháp Bình Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên bằng chất liệu tăm tre, Tháp gốm men chùa Trò. Các mẫu sản phẩm quà tặng gồm bộ sản phẩm được sản xuất từ mật ong, trà hoa vàng, tinh bột nghệ, đông trùng hạ thảo Tam Đảo, gạo ngon Phú Xuân, thanh long ruột đỏ Lập Thạch...
Sở VH-TT&DL công bố công khai mẫu sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch tỉnh đến Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, các khu du lịch, khu danh thắng, di tích văn hóa để các đơn vị giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách.
Sở VH-TT&DL tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương tới đông đảo người dân và du khách. Hiện nay, nhiều sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của Vĩnh Phúc được du khách biết đến như đông trùng hạ thảo Tam Đảo, trà hoa vàng, mật ong Tam Đảo, các sản phẩm làng nghề truyền thống như gốm Hương Canh, đá Hải Lựu, rèn Lý Nhân…
Một trong những sản phẩm quà tặng du lịch đã định vị được thương hiệu trên thị trường là trà hoa vàng Tam Đảo. Hiện nay, sản phẩm trà hoa vàng Tam Đảo của Công ty TNHH Trà hoa vàng, xã Tam Quan (Tam Đảo) không còn xa lạ với người tiêu dùng. Công ty đã đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm phục vụ khách hàng như trà hoa vàng sấy nhiệt, trà hoa vàng sấy thăng hoa, trà túi lọc từ hoa và trà lá trà hoa vàng. Các sản phẩm có thiết kế bao bì sang trọng, đẹp mắt.
Giám đốc Công ty TNHH Trà hoa vàng Nguyễn Đức Độ cho biết: “Trà hoa vàng là loài dược liệu quý được trồng ở một số xã thuộc dãy núi Tam Đảo, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Để quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, công ty lựa chọn logo của các sản phẩm là hình ảnh 3 ngọn núi Tam Đảo (Thạch Bàn, Thiên Thị, Phù Nghĩa) nhô lên giữa biển mây. Trên bao bì sản phẩm in hình những loài động, thực vật quý của Tam Đảo như trà hoa vàng, lan kim tuyến, tê tê vàng, gấu ngựa…
Trà hoa vàng của công ty đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2019. Các sản phẩm đều được kiểm định chất lượng tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng trước khi đến tay khách hàng.
Công ty đã phối hợp với nhiều đơn vị xây dựng các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại, hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch trong cả nước, nhận được sự đón nhận tích cực từ du khách”.
Các sản phẩm lưu niệm, quà tặng là kênh truyền thông, quảng bá du lịch hiệu quả, góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, hiện nay, các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của tỉnh chưa tạo được dấu ấn rõ nét. Đa số các sản phẩm thuộc nhóm hàng nông sản, dược liệu, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ có tính chất lưu niệm còn ít. Người dân tại các làng nghề chưa chú trọng sản xuất các mặt hàng quà tặng du lịch với kích thước nhỏ gọn, thuận tiện cho du khách mang đi. Công tác truyền thông, quảng cáo, xúc tiến thương mại còn hạn chế…
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển các sản phẩm lưu niệm, quà tặng; khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sáng tạo nhiều sản phẩm lưu niệm mang bản sắc văn hóa, vùng đất, con người Vĩnh Phúc; tạo mối liên hệ giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh với đơn vị lữ hành trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm khuyến khích chi tiêu và tăng sức hấp dẫn cho du lịch Vĩnh Phúc.
Bạch Nga