Hình thức liên kết giáo dục giữa các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống với các trường học trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả các chương trình liên kết giáo dục cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Big Ben Edu phối hợp với Trường Mầm non Khai Quang (Vĩnh Yên) tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Ảnh: Kim Ly
Việc liên kết dạy học giữa các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được thực hiện ở nhiều cấp học theo hình thức xã hội hóa. Việc dạy tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2 theo hình thức xã hội hóa trên nguyên tắc đồng thuận của phụ huynh và học sinh chỉ được triển khai ở các trường tiểu học có đủ điều kiện về cơ sở vật chất nhưng không đảm bảo về đội ngũ giáo viên.
Đối với việc dạy học tiếng Anh bổ trợ, tăng cường cho học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo tinh thần tự nguyện, đồng thuận của học sinh và phụ huynh học sinh với hình thức giảng dạy phù hợp với lứa tuổi và mang lại hiệu quả cao, thời lượng giảng dạy không quá 2 tiết/tuần. Đồng thời hoạt động này phải đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định.
Các trung tâm thực hiện liên kết với các nhà trường phải được Sở GDĐT cấp giấy phép về việc tham gia dạy học theo hình thức xã hội hóa giáo dục trong trường học. Quá trình liên kết dạy học, trung tâm và nhà trường phải có hợp đồng trách nhiệm giữa 2 bên quy định rõ về nội dung dạy học, kinh phí, đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, hình thức dạy học, địa điểm tổ chức và các điều kiện liên quan.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định Trung (Vĩnh Yên) cho biết: “Năm học 2023 - 2024, nhà trường liên kết với Trung tâm Anh ngữ Quốc tế English Express-EEC và Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Phúc Giang dạy kỹ năng sống, dạy tự chọn môn tiếng Anh khối 1, 2 và tăng cường môn tiếng Anh đối với các khối lớp khác. Hoạt động liên kết được thực hiện theo hình thức xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện; được bố trí thời gian dạy học phù hợp.
Đối với học sinh không đăng ký học các môn tự chọn, nhà trường bố trí giáo viên bồi dưỡng thêm các môn Toán, Tiếng Việt và các hoạt động phù hợp cho học sinh, đảm bảo học 2 buổi/ngày theo đúng tinh thần của Chương trình GDPT 2018.
Đối với học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, nhà trường đề nghị trung tâm liên kết miễn học phí cho các em, tạo điều kiện thuận lợi để các em được tham gia các môn tự chọn. Năm học 2024 - 2025 do chưa có chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GDĐT, Phòng GDĐT thành phố Vĩnh Yên về hoạt động liên kết với các trung tâm, vì vậy, nhà trường chưa tổ chức hoạt động này”.
Đồng chí Trương Quang Cường, Phó trưởng Phòng Phổ thông, Sở GDĐT cho biết: “Năm học 2023 - 2024, Sở GDĐT đã cấp phép cho 7 trung tâm giáo dục kỹ năng sống phối hợp với 85 trường tiểu học, THCS tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa với hơn 49.000 học sinh tham gia; cấp phép cho 10 trung tâm ngoại ngữ triển khai chương trình liên kết với các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Đối với cấp mầm non, Sở GDĐT quản lý chặt chẽ hoạt động này trên cơ sở của chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo.
Hằng năm, Sở GDĐT tiến hành rà soát, kiểm tra kế hoạch, chương trình, chất lượng đội ngũ giáo viên của các trung tâm đảm bảo đủ điều kiện dạy học môn tiếng Anh, kỹ năng sống, tin học; phê duyệt kế hoạch tổ chức dạy học theo hình thức xã hội hóa; khảo sát ngẫu nhiên kết quả học tập của học sinh để có đánh giá, định hướng cho các nhà trường; chỉ ra những bất cập, tồn tại; tăng cường phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm (nếu có)”.
Năm học 2024 - 2025, với quan điểm đảm bảo hoạt động dạy và học liên kết được thực hiện hiệu quả, đúng theo quy định của pháp luật, Sở GDĐT đang nghiên cứu đề xuất của các trung tâm ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống đối với việc triển khai phối hợp cùng các nhà trường; xem xét đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo việc dạy liên kết không ảnh hưởng đến chương trình học chính khóa, được phân bổ thời gian hợp lý và không tạo áp lực cho học sinh.
Đồng thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của phụ huynh học sinh về việc cân đối học phí theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ trên tinh thần tự nguyện, công khai cho phụ huynh học sinh được biết; tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý về việc kiểm tra giáo án, nội dung giảng dạy của hoạt động liên kết tại một số đơn vị.
Quỳnh Hương