Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Nhìn lại công tác phòng, chống bão số 3, tỉnh ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới.
Nhiều thiệt hại nặng nề
Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua, thời gian hoạt động kéo dài, hoàn lưu rộng, gây mưa lũ kéo dài trên địa bàn 26 tỉnh phía Bắc, trong đó có Vĩnh Phúc. Để chủ động ứng phó, trước, trong và sau bão, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để ứng phó, khắc phục, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Mặc dù có sự chuẩn bị từ sớm, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Cụ thể, có 2 người chết tại xã Sơn Đông; 2 người bị thương ở xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch. Có 338 ngôi nhà, 32 cơ sở giáo dục, 9 cơ sở y tế, 4 di tích lịch sử, 11 công trình văn hóa, 14 trụ sở cơ quan… bị ảnh hưởng. Toàn tỉnh có 9.830 ha lúa, 2.296 ha hoa màu bị ảnh hưởng; hơn 17.000 con gia cầm và gia súc chết; 942 ha thủy sản bị ảnh hưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông kiểm tra công tác khắc phục ngập lụt tại xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Khánh Linh
Theo đánh giá của tỉnh, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại trên là do việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.
Trên địa bàn tỉnh, lũ lớn xảy ra trên toàn hệ thống sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, công tác tuần tra canh gác đê tại một số xã chưa nghiêm túc, còn chủ quan, lơ là.
Công tác đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa mưa lũ còn hạn chế, dẫn đến các sự cố trên hệ thống đê, đặc biệt là các cống dưới đê tả sông Lô, đê hữu Phó Đáy; công tác phối hợp trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; công tác báo cáo, đánh giá thiệt hại của nhiều sở, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ…
Để khắc phục hậu quả bão số 3, lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng các sở, ngành của tỉnh đã tổ chức hơn 20 đoàn công tác xuống hiện trường kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; yêu cầu các địa phương rà soát kỹ các điểm có nguy cơ sạt lở, các vị trí ngầm tràn qua suối, tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ huy tiền phương để chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của bão số 3 trên địa bàn huyện Lập Thạch, Sông Lô. Đến nay, việc khắc phục hậu quả bão số 3 cơ bản được giải quyết; các địa phương đã thống kê tình hình thiệt hại, báo cáo tỉnh hỗ trợ theo quy định; đối với các sự cố hư hỏng về đê, kè, cống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, khoanh vùng sự cố, lập kế hoạch duy tu, sửa chữa và yêu cầu phải xong trước mùa mưa lũ năm 2025…
Đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, triển khai
Tại hội nghị trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 tại địa phương. Đồng thời ghi nhận sự vào cuộc, tham gia của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác khắc phục sự cố cũng như việc hỗ trợ, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng ở trong và ngoài tỉnh
Qua cơn bão số 3, tỉnh đã rút ra bài học kinh nghiệm, đó là công tác phòng, chống thiên tai phải bám sát theo phương châm 4 tại chỗ; có sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Huy động sức mạnh, nguồn lực tổng hợp trong công tác khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông kiểm tra công tác khắc phục sự cố bục cống Cầu Triệu nằm trên đê hữu sông Phó Đáy. Ảnh: Khánh Linh
Việc vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương là cần thiết. Trong đó, phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở cùng vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là đối với khu vực bị ngập, địa hình dễ bị chia cắt, các sự cố về đê điều…
Cần phải rà soát, kiện toàn bộ máy, đảm bảo trong mọi điều kiện mưa, lũ, có sự cố phải thực hiện nghiêm quy chế về chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai để kịp thời đáp ứng với điều kiện biến đổi khí hậu…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và các nhà khoa học, dự kiến từ nay đến cuối năm, tình hình mưa, bão còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, để sớm hoàn thành công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 và làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống ứng phó với mưa, bão, thiên tai trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng liên quan khẩn trương hoàn thành công tác tổng hợp, đánh giá thiệt hại, đề xuất cơ chế hỗ trợ đối với thiệt hại về nông nghiệp để ổn định sản xuất sau thiên tai.
Rà soát, đánh giá lại hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập, đề xuất xử lý ngay đối với những sự cố, công trình, vị trí có nguy cơ mất an toàn, nhất là các cống dưới đê trên tuyến đê tả Lô, hữu Đáy, tả Hồng…
Tổ chức kiểm tra ngay việc thực hiện công tác sẵn sàng "4 tại chỗ" của các cơ quan, đơn vị liên quan tại các vị trí trọng điểm, xung yếu, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định đối với những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện không đảm bảo để kịp thời ứng phó với mưa lũ trong thời gian tới nếu có, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê.
Tổ chức khảo sát, điều tra, đánh dấu vết lũ, lưu trữ tài liệu sau bão số 3 để cập nhật trong phương án ứng phó thiên tai của tỉnh, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai sau này…
Bài, ảnh: Hà Trần