Sáng 27/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn phản biện dự thảo Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.
Đồng chí Phan Tuệ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì hội thảo.
Năm 2017, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Vĩnh Phúc (tại địa chỉ http://vptex.vn) đã đi vào hoạt động, tạo môi trường để chủ sở hữu công nghệ, thiết bị và khách hàng mua bán, trao đổi.
Sàn được vận hành và quản lý bởi Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Vĩnh Phúc. Lũy kế đến tháng 8/2024 có 2.260 doanh nghiệp đăng ký tham gia sàn. Toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp khoa học và công nghệ với 220 lao động, chủ yếu nghiên cứu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mới trong lĩnh vực nông nghiệp và dược liệu.
Quang cảnh hội thảo tư vấn phản biện. Ảnh: Dương Chung
Giai đoạn 2015 - 2022, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiên cứu, sản xuất kinh doanh 25 mô hình, dự án với gần 200 tỷ đồng. Giai đoạn 2015 - 2024, toàn tỉnh đã cấp 43 giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp; tiếp nhận 88 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia. Tuy nhiên, thị trường khoa học và công nghệ tỉnh vẫn còn một số hạn chế về nhận thức, tiếp cận thông tin, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, tiềm lực cũng như trình độ công nghệ…
Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở nâng cao hiệu quả của Nhà nước và các chủ thể, dần hình thành thị trường khoa học và công nghệ tại Vĩnh Phúc, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu công nghệ, phát triển doanh nghiệp, đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc phát triển và đưa vào hoạt động ít nhất 1 tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ và ươm tạo công nghệ trên địa bàn tỉnh; phát triển thêm ít nhất 5 doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Hoạt động chuyển giao công nghệ nằm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia chiếm tỷ trọng 35%. Số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường và hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Tổ chức đào tạo, triển lãm công nghệ và thiết bị kết hợp thực hiện hoạt động về đổi mới sáng tạo…
Đến năm 2030, tiếp tục phát triển thêm doanh nghiệp và đưa vào hoạt động các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Hoạt động chuyển giao công nghệ nằm trong việc thực hiện triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia chiếm tỷ trọng 45%. 100% doanh nghiệp khoa học và công nghệ thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp.
Các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện đề nghị đơn vị xây dựng dự thảo cần bổ sung thêm căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn; làm rõ thực trạng nguồn cung, nhu cầu, từ đó đưa ra giải pháp sát thực tế. Mục tiêu đề án cần sát thực tiễn và nhu cầu phát triển khoa học công nghệ của tỉnh trong giai đoạn tới.
Cùng với đó, cần tổng hợp, bổ sung đối tượng, phạm vi, nhu cầu thị trường về khoa học và công nghệ của các huyện, thành phố trong tỉnh. Về giải pháp, cần rà soát, hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường khoa học công nghệ, đánh giá kỹ hơn nguồn lực để thực hiện thành công đề án.
Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, Hội đồng tư vấn phản biện đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp thu, sớm bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo đề án trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt.
Diệu Linh