Phát huy lợi thế gần Thủ đô Hà Nội, những năm qua, Vĩnh Phúc đã khai thác tốt thế mạnh về vị trí địa lý cũng như điều kiện thuận lợi về đất đai để ngành công nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng cùng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) được tăng cường đầu tư đã tạo lợi thế cạnh tranh so với các KCN ở các tỉnh, thành lân cận. Do đó, Vĩnh Phúc đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh.
Nằm tại cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc được xác định là một cực trong tam giác phát triển đô thị của vùng Thủ đô. Hưởng lợi từ vị trí gần sân bay Nội Bài, sở hữu tuyến đường cao tốc thuộc hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Vĩnh Phúc dễ dàng kết nối với các khu vực và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Từ chỗ chỉ có 1 KCN khi mới tái lập, đến nay, Vĩnh Phúc đã có 19 KCN được quy hoạch, trong đó có 16 KCN được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích hơn 3.156ha. Các KCN của tỉnh đều có vị trí thuận lợi, nằm dọc các quốc lộ, tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh cao.
Đi vào hoạt động từ năm 2018, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc được coi là một trong những KCN kiểu mẫu. Hệ thống giao thông, trạm điện, xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại tạo điểm nhấn về hạ tầng công nghiệp, ấn tượng mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư khó tính.
Với sự đầu tư bài bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cách thức quản lý chuyên nghiệp, KCN Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhiều nhà đầu tư.
Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước.
Chùm ảnh của Khánh Linh