Tổ chức Động vật châu Á - AAF (Animals Asia Foundation) do Tiến sỹ Jill Robinson, quốc tịch Anh sáng lập vào năm 1998 và được cấp phép hoạt động tại Việt Nam vào tháng 8/2016 bởi Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Tổ chức đăng ký hoạt động tại Vĩnh Phúc ngày 15/6/2007 với nỗ lực hoạt động vì cuộc sống của các loài động vật hoang dã, động vật nuôi trong nhà cũng như các loài động vật bị đe dọa trong khu vực.
Năm 2005, Tổ chức AAF và Chính phủ Việt Nam đã ký kết thỏa thuận xây dựng một trung tâm cứu hộ gấu tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, cam kết tài trợ và duy trì hoạt động của trung tâm trong thời gian tối thiểu 20 năm. Đây là bước đi quan trọng hướng tới việc cứu hộ các cá thể gấu gặp nạn trong khu vực và chấm dứt việc nuôi gấu lấy mật tại Việt Nam.
Từ đó đến nay ròng rã 2 thập niên, AAF có mặt tại khắp mọi miền đất nước vì mục tiêu cứu hộ toàn bộ các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Hiện trung tâm cứu hộ gấu đang chăm sóc, nuôi dưỡng 194 cá thể gấu trong môi trường bán hoang dã đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trung tâm cũng là một địa điểm tham quan, giáo dục môi trường uy tín, thu hút nhiều trường học và người dân đến tìm hiểu về loài gấu.
Với nhiệm vụ cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên, gần 2 thập kỷ qua, các cuộc giải cứu của Tổ chức Động vật châu Á vẫn tiếp diễn, chưa có hồi kết.
Trước khi được giải cứu, hầu hết các chú gấu được nuôi, nhốt trong điều kiện thiếu thốn, chật hẹp...
Một cuộc cứu hộ gấu diễn ra tại phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên. Đây cũng là cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng trên địa bàn tỉnh được giải cứu.
Gấu được gây mê để đưa ra khỏi chuồng nuôi nhốt. Các bác sĩ thú ý tiến hành khám sức khỏe tổng thể, xác định mức độ các thương tật.
Mỗi cuộc giải cứu là hành trình đầy gian nan, vất vả, đòi hỏi sự tập trung cao độ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các công đoạn để đảm bảo việc cứu hộ diễn ra an toàn, nhanh chóng.
Sau khi được cứu hộ đưa về Trung tâm cứu hộ gấu tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, gấu trải qua thời gian cách ly đảm bảo không lây nhiễm bệnh, được chữa trị, ghép nhóm và phục hồi bản năng, sức khỏe dần dần trước khi thả về môi trường bán hoang dã.
Hiện nay, ngoài việc giải cứu, chăm sóc phục hồi gấu, Tổ chức Động vật châu Á còn nỗ lực trong việc truyền thông thay đổi nhận thức cộng đồng, đấu tranh loại bỏ dần thực trạng nuôi gấu lấy mật; triển khai dự án “Vườn cây thảo dược” với mục đích giúp học sinh tìm hiểu về nhiều loài cây thông dụng, có tác dụng chữa bệnh, an toàn với con người mà không làm hại tới loài gấu...
... Hay thông qua hoạt động của các ngôi sao, nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế trong chiến dịch “No Bear Left Behind - Không một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau”.
Cuộc sống đời thường của những nhân viên cứu hộ gấu.
Viết tiếp hành trình cứu hộ gấu, tháng 11/2023, Dự án “Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cơ sở II” tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được khánh thành. Trung tâm có năng lực nuôi hơn 300 cá thể gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm.
Chùm ảnh của Khánh Linh