Ở Vĩnh Phúc, nhiều khu vực miền núi, dù địa hình canh tác không cao, dốc, cheo leo như một số tỉnh vùng cao Tây Bắc, song chỉ cần đi men theo dãy núi Tam Đảo, không khó để tìm được những thửa ruộng bậc thang.
Những thửa ruộng bậc thang ở đây có những đặc trưng riêng, phải chia nhỏ, chạy dài thoai thoải theo triền đồi, núi, từng lớp kế tiếp nhau như những cơn sóng, trông rất đẹp mắt.
Vào bất cứ thời điểm nào trong năm, để có thể ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang chỉ cần về các xã Bồ Lý, Yên Dương, Đạo Trù… của huyện Tam Đảo, men theo những con đường làng chạy dọc dưới dãy núi Tam Đảo.
Độ cao các thửa ruộng không chênh lệnh rõ ràng như ruộng bậc thang vùng cao, song cũng không bằng phẳng, rộng lớn như vùng đồng bằng, độ dốc càng lớn, thửa ruộng càng bị chia nhỏ, chạy uốn lượn.
Những chỗ đất cao, khó dẫn nước, ngoài lúa, người dân thường trồng xen canh các loại cây ngắn ngày khác, vô hình chung tạo nên những sắc thái, hình thù vô cùng độc đáo cho các thửa ruộng bậc thang.
Vào mùa cấy, những chỗ ruộng cao, máy móc hoạt động khó khăn, người dân phải cấy thủ công.
Dù cơ giới hóa được ứng dụng mạnh mẽ, song do đặc thù canh tác, việc thu hoạch lúa vẫn khó khăn, mất nhiều ngày công hơn so với vùng đồng bằng.
Chùm ảnh của Khánh Linh