Với phương châm “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, huyện Vĩnh Tường đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Gia đình chị Vũ Thị Luyến, thôn Cam Giá, xã An Tường chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Ảnh: Kim Ly
Gia đình chị Phạm Thị Hoa, thôn Xuân Húc 1, xã Vân Xuân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng mất do mắc bệnh hiểm nghèo, người con út mắc bệnh thần kinh. Nhiều năm nay, gia đình chị sống trong ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng mà không có tiền sửa chữa hay xây mới.
Cảm thông trước hoàn cảnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vân Xuân đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ 120 triệu đồng giúp gia đình chị xây ngôi nhà mới khang trang, vững chãi.
Cùng với sự giúp đỡ của họ hàng, người thân, hàng xóm, sau hơn 2 tháng khởi công, ngôi nhà mới đã được khánh thành với diện tích 60 m2, tạo động lực giúp gia đình chị Hoa ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vĩnh Tường xác định là nhiệm vụ trọng tâm và được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo theo từng giai đoạn, từng năm.
Đồng thời tổ chức ký cam kết thực hiện mục tiêu giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm giữa các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo đa chiều; động viên, hướng dẫn hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, khơi dậy tinh thần tự lực, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Tường giải ngân cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Ảnh: Kim Ly
Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, huyện huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa đảm bảo 100% hộ nghèo đều được tặng quà. Các cơ chế chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, điện, nước… được triển khai đầy đủ, rộng khắp.
Giai đoạn 2021-2023, huyện cấp gần 11.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo với tổng số tiền hỗ trợ gần 9 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho hơn 860 lượt học sinh, hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 2.000 lượt học sinh với kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho hơn 6.500 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội trong 2 năm 2020-2021 với tổng số tiền hơn 270 triệu đồng.
Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị tài trợ rà soát, thẩm định, hỗ trợ 247 hộ với kinh phí hơn 18,6 tỷ đồng.
Huyện Vĩnh Tường đã triển khai, thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, gắn vay vốn tạo việc làm với hướng dẫn phát triển sản xuất, khuyến nông và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Giai đoạn 2021-2023, toàn huyện có hơn 10.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh với doanh số cho vay hơn 486 tỷ đồng; trung bình mỗi năm, toàn huyện giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động, tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho hơn 300 bộ đội xuất ngũ trở về địa phương.
Với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, công tác giảm nghèo ở huyện Vĩnh Tường đã đạt được những kết quả quan trọng, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,61%, giảm 0,94% so với năm 2021; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 0,69%, giảm 1,09% so với năm 2021.
Năm 2024, huyện Vĩnh Tường phấn đấu giảm từ 80-120 hộ nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 0,19%; giảm 170-220 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 0,26-0,3%. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, huyện tiếp tục coi giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.
Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự lực tự cường, vươn lên của người nghèo; huy động tối đa nguồn lực xã hội thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo…
Phương Anh