Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các mặt hàng nông sản được bày bán ngày càng phong phú, đa dạng từ chợ truyền thống đến “chợ mạng”. Tuy nhiên, chính bởi sự phong phú từ chủng loại, giá cả khiến người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm thật - giả, nguồn gốc...?
Các loại gạo ST25 được bày bán ở Siêu thị Go!Vĩnh Phúc có đầy đủ tên nhà sản xuất, phân phối và mã vạch truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Chu Kiều
Dừng chân tại một cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, chúng tôi hỏi mua gạo và được giới thiệu các loại gạo đặc sản, nổi tiếng trên thị trường như Séng Cù, ST25 với giá 210 nghìn đồng/bao 10 kg Séng Cù, 189 nghìn đồng/bao 10 kg (ST25).
Trước giá rẻ giật mình, chúng tôi thắc mắc thì được chủ cửa hàng cam kết gạo chuẩn, khi nấu cơm sẽ dẻo, thơm. Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường trên bao bì, việc đề chữ "Đặc sản Sóc Trăng - Sản phẩm góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam", "Gạo ST25 - Gạo thơm thượng hạng" thì không rõ nhà cung cấp, phân phối là đơn vị nào, thời gian sản xuất, đóng gói ra sao?...
Sự nhập nhằng các loại gạo thường đội lốt gạo ngon nhất thế giới ST25 tràn ngập thị trường. Hiện tại, trên một số trang thương mại điện tử cũng xuất hiện nhiều gian hàng bán gạo ST25 với giá chỉ từ 115 nghìn đồng/bao gạo 5 kg, song tất cả đều không ghi đầy đủ tên thương hiệu, địa chỉ sản xuất cụ thể trên vỏ bao.
Qua tìm hiểu, tất cả các loại gạo ST25 được bày bán trên thị trường hiện nay trôi nổi, không ghi rõ nhà phân phối, sản xuất không phải gạo ST25 chuẩn - đặc sản của Sóc Trăng vốn được công nhận là Top 1 gạo ngon nhất thế giới năm 2019, được nghiên cứu và phát triển bởi kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, TS. Trần Tấn Phương và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương với chất lượng hảo hạng, giá trị dinh dưỡng cao, đã giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo thơm Việt Nam cũng như nâng tầm thương hiệu gạo thơm Việt Nam trên thương trường thế giới.
Hiện, gạo ST25 đã được ủy quyền cho Công ty cổ phần Giống cây trồng Việt Nam để nhân giống ra thị trường và đã có nhiều đơn vị sản xuất, phân phối, chế biến nhiều sản phẩm thuộc dòng gạo này như Tập đoàn Tân Long với thương hiệu gạo A An, Công ty cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh với thương hiệu gạo Bảo Minh... được bán trên thị trường với giá từ 35 - 65 nghìn đồng/kg, tương đương với mức giá 350 - 650 nghìn đồng/bao gạo 10 kg, cao hơn nhiều lần so với giá các loại gạo ST25 đội lốt trôi nổi trên thị trường.
Tìm hiểu tại một số đại lý phân phối gạo lớn trên địa bàn tỉnh nhận thấy, khi gạo đã đóng vào bao bì rất khó để phân biệt có phải là hàng chuẩn ST25 hay không, nếu người tiêu dùng không thông thái rất dễ bị mua phải gạo trà trộn ST18, ST21, thậm chí không phải gạo ST, bị đội lốt, bởi gạo ST25 chuẩn thì không có giá rẻ như nhiều cửa hàng, gian hàng online vẫn đang rao bán chỉ từ 19 - 22 nghìn đồng/kg.
Người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có thể tìm mua gạo ST25 chuẩn tại các đại lý phân phối gạo lớn, các siêu thị tổng hợp lớn như GO! Vĩnh Phúc, Co.opmart Vĩnh Phúc hay chuỗi cửa hàng bán lẻ của Winmart+ với đầy đủ tên nhà sản xuất, phân phối, trọng lượng, mã vạch truy xuất nguồn gốc in trên bao bì và thường được đóng gói theo trọng lượng 3 kg, 5 kg.
Không chỉ đối với mặt hàng gạo, chuyện nhập nhằng nguồn gốc, nhái thương hiệu nhiều mặt hàng nông sản đã trở thành câu chuyện không còn xa lạ với nhiều loại nông sản Việt hiện nay.
Mặc dù đề tên gạo ST25, song trên bao bì sản phẩm này lại không có tên đơn vị sản xuất, nhà phân phối, mã vạch để truy xuất. Ảnh: Chu Kiều
Đơn cử như hồi đầu năm nay, loại quả dâu tây Trung Quốc được gắn mác dâu Mộc Châu, dâu Đà Lạt... đã trở thành nỗi lo với các hộ dân trực tiếp trồng hay nhiều đơn vị phân phối khi vào chính vụ, sản lượng thu hoạch lớn song bị đánh đồng, "rớt giá" nghiêm trọng. Điều này đặt ra vấn đề bảo hộ thương hiệu cho nông sản Việt nói chung, các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh ta nói riêng.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay, Vĩnh Phúc đã có 5 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 138 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 1.731 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh như gạo ngon Phú Xuân (Bình Xuyên), thanh long ruột đỏ (Lập Thạch), trà hoa vàng (Tam Đảo)... sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, giúp người nông dân và các hộ kinh doanh chuyển đổi sang sản xuất tập trung, sản phẩm được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng, có căn cứ pháp lý bảo vệ quyền lợi trước những hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu; đồng thời, góp phần gìn giữ, tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.
Mặc dù vậy, công tác quản lý, phát triển tài sản trí tuệ trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Việc hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích, thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chưa nhiều, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, khai thác và giám sát sử dụng chỉ dẫn địa lý còn chưa chặt chẽ khiến tình trạng giả, nhái các chỉ dẫn địa lý vẫn còn tồn tại khiến nhiều sản phẩm phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, rơi vào cảnh mất giá.
Thời gian tới đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thị trường các mặt hàng nông sản đã được được bảo hộ thương hiệu để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm giữ ổn định giá cả sản phẩm, gia tăng thu nhập, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Hồng Nhật