Trong số các địa danh các huyện của Vĩnh Phúc, Lập Thạch là tên huyện tương đối ít biến động suốt chiều dài lịch sử. Nguyên nghĩa chữ Lập Thạch theo Hán tự là "Đá dựng". Trước khi có tên huyện, thì đó là tên làng - làng Lập Thạch, bởi trong làng có cột đá dựng tự nhiên, tựa như một tòa miếu cổ trên núi Đền. Ngày nay, khối đá dựng - biểu tượng của làng Lập Thạch xưa, huyện Lập Thạch nay thuộc xã Yên Thạch, huyện Sông Lô.
Nằm sừng sững trên đỉnh núi Đền, thôn Thống Nhất, xã Yên Thạch, huyện Sông Lô vẫn tồn tại khối đá lớn, biểu tượng cho tên gọi Lập Thạch.
Khối đá lớn gắn liền với huyền tích của 3 nhà giáo: Nguyễn Nham, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Tiễu từng dạy con vua Lý Thái Tổ trong 3 năm, sau đó về đây chọn làm nơi mở trường lớp dạy học cho dân. Sau khi các ông qua đời và được cho là đã hóa đá tại đây, nhân dân tôn làm thành hoàng làng, thờ cúng tại đình Vĩnh Quang.
Đình Vĩnh Quang hiện nay được bảo tồn khá nguyên vẹn kiến trúc cổ thời Nguyễn, có mặt bằng kiến trúc hình chữ “nhị” gồm 3 gian đại bái, 2 gian hậu cung. Tất cả đều làm bằng gỗ, chồng rường, ngói lợp. Đình Vĩnh Quang đã được UBND tỉnh xét cấp Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 147, ngày 21/1/2020.
Ngày nay, xung quanh khu vực núi Đền gắn với sự tích hòn đá dựng là một hồ cảnh quan rộng lớn với tên gọi hồ Ngọc Đá, quanh năm xanh mát.
Đứng trên đỉnh núi có thể bao quát cả một vùng rộng lớn.
Chùm ảnh của Khánh Linh